Đừng kẻ khóc người cười

- Khi Tết đến gần cũng là lúc người lao động nghĩ về thưởng cuối năm. Có nơi mức thưởng lên đến hàng trăm triệu, nhưng cũng có người chỉ được vài ba trăm nghìn đồng, có khi không có. Cảnh kẻ khóc người cười vì thưởng Tết vẫn thường xảy ra.

Suy cho cùng, pháp luật không quy định cụ thể về thưởng Tết. Vì vậy thưởng Tết không phải là khoản tiền thưởng bắt buộc phải chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận về việc làm, tiền lương, điều kiện việc làm… kể cả mức tiền thưởng trên hợp đồng lao động.

Điều 104 Bộ Luật Lao động 2019 có quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất - kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, việc thưởng nhiều hay ít, thưởng hay không thưởng còn tùy thuộc vào tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong một năm của doanh nghiệp.  

Tuy nhiên, tiền thưởng lại chính là một trong những đòn bẩy để khuyến khích, động viên người lao động hăng hái, sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc cao hơn, giúp đơn vị, doanh nghiệp phát triển. Nên những đơn vị có mức thưởng Tết cao thường là đơn vị ăn nên làm ra. 

Chính vì vậy, thay vì chỉ ngóng trông tiền thưởng mỗi khi Tết đến, người lao động cần nghĩ đến điều này ngay khi quyết định đầu quân cho nơi làm việc của mình, để tiền thưởng được cam kết ngay từ đầu, từ đó có ý thức lao động, sáng tạo cao hơn,  đóng góp nhiều hơn với nơi làm việc.

Mặt khác, tổ chức công đoàn đại diện cho quyền lợi người lao động cũng cần nâng cao trình độ, kỹ năng để đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi… cho người lao động. Bên cạnh đó là tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động như hỗ trợ tiền, quà, tổ chức các chuyến xe “0 đồng” cho người lao động về quê đón Tết.

Có như vậy, mới tránh được tình trạng kẻ khóc, người cười mỗi khi nói đến thưởng Tết.

Tin cùng chuyên mục