Giữ gìn đào rừng

- Những ngày đầu xuân, được lên các huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình, chúng ta thấy sắc xuân về ngập tràn bởi sự bung nở của sắc đào phai. Đào rừng vùng cao có vẻ đẹp rất khác biệt, lôi cuốn kỳ lạ so với các giống đào khác. Bởi vậy, người vùng cao trân trọng và gìn giữ cây đào như của quý trong vườn, đồi nhà mình.

Mỗi nhà phải có ít nhất từ 1 đến 2 cây đào

Người vùng cao sống chan hòa với thiên nhiên, đối với họ, mỗi dịp Tết đến, xuân về dù nhà khá giả hay nghèo khó, chỉ cần có bánh chưng xanh và cây hoa đào nở ở góc vườn hay trên đồi nhà mình là coi như có Tết. Bởi vậy, nhà nào cũng phải cố gắng trồng từ 1 đến 2 cây đào. Nhà nhiều có tới hàng chục cây, mọc rải rác trong vườn, quanh nhà, trên đồi rừng.

Ở Na Hang, giống đào địa phương hay còn gọi là đào ta, đào rừng được người dân ươm trồng nhiều nhất phải kể đến xã Sơn Phú. Ở Sơn Phú, đào được trồng nhiều nhất ở các thôn Phia Chang, Nà Cọn, Nà Lạ. Dọc các tuyến đường vào thôn Phia Chang, những gốc đào có tới hàng chục năm tuổi, hoa đang nở bung khoe sắc trong nắng xuân làm cho cảnh sắc vùng cao đẹp say đắm lòng người.

Hoa đào rừng ở vùng cao bắt đầu nở từ tháng 12 đến hết tháng 2 âm lịch, có độ bền lâu.

Trước cửa nhà anh Đặng Văn Dấu, Bí thư Chi bộ thôn Phia Chang có tới 4 cây đào phai có tuổi đời trên chục năm. Anh Dấu cho biết, từ khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, anh đã thấy nhà nào cũng có vài cây đào. Cả thôn Phia Chang giờ đây có tới hàng trăm gốc đào giống đào địa phương. Từ tháng 12 âm lịch, hoa đào đã nở và kéo dài đến tận hết tháng 2 âm lịch. Tùy vào thời tiết mà hoa đào ở Phia Chang sẽ nở sớm hay muộn. Nâng một cành hoa đào đang nở, anh Dấu bảo: “Cây đào ở đây được người dân ươm trồng từ hạt của cây đào được trồng qua đời này đến đời khác một cách tự nhiên nên chủ yếu là đào phai. Hoa có màu phớt hồng, cánh hoa to và tươi lâu hơn, bền hơn các loại đào khác. Thân đào, gốc đào rêu phong, xù xì, có đường kính từ 10 đến 20 cm. Hoa của cây đào rừng nở đều từ gốc lên tới ngọn rồi mới tàn. Cây đào tự nhiên có tuổi đời từ 10 đến 15 năm sẽ tự già cỗi. Người dân ở Phia Chang hàng năm đều đốn tỉa bớt các cành đào để cây đào được khỏe mạnh, ra hoa nhiều hơn và có sức sống lâu bền hơn”.

Đến bản người Dao đỏ Nà Cọn những ngày đầu xuân, hoa đào đang hé nở khoe sắc từ đầu đến cuối thôn làm cho bản vùng cao càng trở nên tươi đẹp. Anh Triệu Văn Chung, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nà Cọn cho biết, cả thôn hiện có khoảng trên 300 cây đào giống địa phương, trong đó có khoảng 50 gốc đào cổ thụ có tuổi đời gần 20 năm tuổi. Người Dao đỏ ở nơi đây không chỉ coi cây đào là loại cây để trang trí trong không gian sống của nhà mình mỗi dịp Tết đến Xuân về mà còn là loại cây biểu tượng cho sự may mắn của gia chủ trong năm mới. Năm nào, hoa đào ra nhiều hoa, nở đúng những ngày chính Tết và lâu tàn thì năm đó, ắt hẳn gia chủ sẽ gặp nhiều tài lộc, làm ăn suôn sẻ, may mắn hơn. Bởi vậy, người Dao đỏ nơi đây luôn tạo mọi điều kiện để cây đào được sinh trưởng, phát triển một cách tự nhiên nhất. Họ cũng kiêng kỵ nhất việc chặt cành đào đem bán cho người dưới xuôi.

Gìn giữ vẻ đẹp của đào rừng

Theo Bí thư Chi bộ Nà Cọn Triệu Văn Chung, để gìn giữ vẻ đẹp tự nhiên của giống đào địa phương, đào rừng, ngay trong năm, nhiều hộ dân ở Nà Cọn đã ươm đào từ hạt để ra Tết là bắt đầu đem trồng. Mấy năm trở lại đây, thôn đều phát động người dân trồng đào dọc các tuyến đường dịp đầu năm để tạo cảnh quan đẹp cho thôn. Vì thế, dọc tuyến đường vào thôn, hay tuyến đường nối từ Nà Cọn sang Phia Chang giờ đây đã có hàng trăm gốc đào đã được trồng, chỉ vài năm nữa, từ Nà Cọn đến Phia Chang, mỗi dịp Tết đến Xuân về, cảnh sắc nơi đây sẽ ngập tràn hoa đào. Anh Chung hứa hẹn với tôi như vậy.

Người dân ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) trồng đào để ra hoa vào mỗi dịp Tết, phục vụ khách du lịch.

Lên thôn Nà Tông, Nà Liềm của xã Thượng Lâm (Lâm Bình) những ngày đầu năm, hoa đào cũng đang khoe sắc. Theo đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm, Thượng Lâm có tới 400 đến 500 cây đào rừng. Mỗi dịp Tết đến, những bản làng ở Thượng Lâm khoác trên mình sắc đào phớt hồng làm cho du khách đến đây không nỡ rời chân. Hoa đào địa phương có sức sống mãnh liệt, tươi hơn, khỏe hơn nên rất thu hút khách du lịch, được nhiều du khách chọn làm nơi check-in. Nhận thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ giống đào rừng, mấy năm nay, trong các dịp phát động Tết trồng cây đầu năm, Đảng ủy, UBND xã đều phát động Nhân dân trồng từ 2 cây đào trở lên trong khuôn viên nhà ở, các tuyến đường. Trong năm, xã, thôn vận động Nhân dân ươm hạt để ra Tết là trồng ngay. Bởi vậy, số lượng cây đào địa phương ngày càng được nhân rộng khắp các thôn trong xã.

Đồng chí Giàng Seo Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết, đào rừng tập trung nhiều nhất ở thôn Khuổi Trang, nơi đây hiện có khoảng 50 gốc đào cổ thụ. Để gìn giữ giống đào này, hàng năm, mỗi cây đào cho quả, người dân đều giữ lại hạt để ươm giống, trồng thay thế những cây đào già cỗi. Nhờ thế giống đào địa phương vẫn được gìn giữ qua nhiều đời người dân tộc Mông ở Khuổi Trang.

Lên vùng cao Tuyên Quang đầu xuân, sắc đào như níu chân du khách. Vẻ đẹp tinh khôi, tươi tắn của hoa đào được gìn giữ và được trồng rộng rãi ở nhiều bản làng sẽ càng làm cho cảnh sắc mùa xuân ở vùng cao thêm ấm áp n

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục