Cọn nước của người Tày

- Đến các thôn quê miền núi, bắt gặp cái cọn nước kẽo kẹt quay, cần mẫn giúp nhà nông đưa nước vào đồng, chúng ta cảm nhận được giá trị về sức sáng tạo, ý thức thẩm mỹ, về sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Đó còn là khả năng biến khó khăn thành thuận lợi của bà con đồng bào miền núi chúng ta. Với giá trị văn hóa sâu sắc, tri thức về cọn nước của người Tày ở Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự, là động lực để người dân vùng cao gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.

Cọn nước, tiếng Tày là “cọn nặm”. Cọn là một động từ, trong ngôn ngữ của người Tày nó chỉ động tác “múc” diễn ra liên tục; nghĩa là chuyển nước lên hoặc chuyển nước sang chỗ khác liên tục. Nhưng động tác “múc” ở đây, không phải dùng tay con người, mà là do các ống bương buộc sẵn vào 2 thanh của vòng cọn liên tục múc nước lên khi vòng cọn tiếp xúc với dòng chảy. Quan sát trên vòng tròn của cọn ta thấy các tấm phên gắn với nó làm vật cản; khi nước đang chảy siết gặp các tấm phên cản lại, dòng chảy sẽ tạo ra lực đẩy vòng tròn quay lên xuống liên tục. Sát vòng quay, người ta bắc một cái máng rộng, hứng chờ sẵn để các ống bương múc nước theo vòng quay, khi xuống múc nước; khi lên lần lượt đổ xuống đúng vị trí lòng máng; từ lòng máng, nước chảy ào ào vào mương dẫn, tỏa ra cánh đồng.

Cọn nước của người Tày huyện Lâm Bình được đưa vào là sản phẩm du lịch của địa phương.

Để làm được một cọn nước, ngoài sự sáng tạo, đòi hỏi sự kiên trì và tinh thần đoàn kết, gắn bó rất cao của cộng đồng thôn bản. Trước hết khâu chuẩn bị vật liệu phải đầy đủ và phải chọn đúng yêu cầu, quy chuẩn. Vật liệu làm cọn là tre, gỗ, nứa, lạt.  Gỗ làm trục quay và làm cột phải là gỗ chắc. Trục quay được đục sẵn các lỗ chờ; cột phải chọn bốn cây có ngoãm để đặt hai đầu trục lên thanh ngang hai đầu. Tre thường là cây mai, hóp già, thẳng, to đều bằng cán cuốc, sẻng. Các thanh tre này sẽ cắm vào các lô đục sẵn của trục quay, đầu kia nối luôn với hai thanh vòng tròn của vòng quay, dùng lạt níu chặt, kể cả các điểm giao chéo nhau giữa các thanh tre cũng được níu chặt. Lạt buộc bằng lạt cây tre gai hoặc cây giang được chẻ ra phơi sẵn trên gác bếp. Các thanh tre nối nhau làm hai vòng tròn song song cách nhau khoảng 50 cm; để dễ uốn phải chọn loại cây mới qua lớp lá bánh tẻ, hoặc cây cong sẵn; nối nhau. Máng hứng và chứa nước phải chọn cây gỗ chịu nước tốt, thường là cây nhội, đường vanh khoảng 120 cm trở lên, đục khoét thành máng sâu chừng 20 đến 25 cm, dài bằng đường kính của vòng cọn; máng càng rộng càng dễ hứng. Họ chôn bốn cây cột, có thanh ngang hai đầu, máng cũng được đặt trên hai thanh ngang như trục quay. Để nước từ ống bương rót xuống không trượt ra ngoài, phải nâng máng hứng lên cao. Các ống bương một đầu đều phạt vát miệng, đầu vát buộc chặt vào thanh vòng tròn, đầu không vát níu chặt vào thanh chéo từ trục lên, dưới thanh vòng tròn đối diện, buộc như vậy sẽ tạo độ dốc chéo của bương; khoảng cách giữa các ống chừng 40 cm, đầu ống vát, buộc theo hướng xuôi dòng chảy. Vị trí đặt cọn nước phải gần sát bờ; mùa ít nước người ta dắp nắn cho dòng nước dồn về phía cọn để tạo dòng chảy đủ lực mạnh cho vòng cọn quay; mùa nước to, họ lại điều chỉnh dòng chảy sang phía bờ đối diện; trường hợp nước lũ to, cọn được nâng lên cao, dùng dây chằng vào các gốc cây gần bờ để khỏi trôi. Các lỗ chôn cột làm cọn nước dùng đá hộc chèn và đống cao xung quanh, cột không lung lay, rất vững. Vòng cọn quay theo chiều ngược kim đồng hồ, ngược dòng nước; ống bương xếp theo chiều xuôi dòng nước để khi cọn quay xuống, ống chìm dưới nước; khi cọn quay lên thì ống lại ngược dòng, múc nước.

Các cụ, kỵ thường kể sinh ra đã thấy cọn nước rồi. Nhiều khu ruộng được khai khẩn mặc dù có suối chảy qua giữa cánh đồng, nhưng ruộng thì ở trên cao, suối thì dưới thấp; để làm được hai vụ lúa, không có cách nào tiện hơn là làm cọn nước để bắt nước dưới suối nhảy lên đồng. Nghe các cụ kể tôi thấy chí lý, bởi nơi cư ngụ của người Tày, Nùng, Thái, Mường thường  ở các thung lũng, ven núi, chân đồi, gần suối khe; có ruộng để thâm canh; nhưng đâu phải khu ruộng nào cũng tiện nước tưới tiêu quanh năm; do vậy, từ kinh nghiệm rút ra trong lao động sản xuất, họ đã sáng tạo ra chiếc cọn nước để canh tác, phục vụ sinh hoạt. Tôi thầm nghĩ, thủa trước, không biết từ khi nào, những nông dân miền núi họ thật sáng tạo, thông minh. Mỗi khi nhìn thấy cọn nước quay, quan sát cấu tạo của nó, tôi lại liên tưởng đến cái bánh xe đạp, Cọn nước thì dùng các cây tre cắm từ điểm giữa trục cọn chéo lên níu chặt vòng cọn, còn bánh xe đạp thì nan hoa từ trục giữa đan chéo cắm vào vành xe. Hai cái vòng tròn, một bằng tre, một bằng sắt thép, muốn dùng được đều phải cân chỉnh cho chuẩn độ tròn; vành xe không cân tròn thì khi đi sẽ chệnh choạng, không vững; vòng cọn không tròn, khi múc nước lên thì chắc chắn nước sẽ đổ không trúng vào lòng máng. Vậy, hai vật dụng này cái nào có trước đây…! Theo tôi đoán, có thể cái cọn nước có trước xe đạp. Vì văn hóa lúa nước của một quốc gia thuần nông, nó đã khởi phát từ khi có các bộ tộc người; trong đó không loại trừ dân tộc Mường, Tày, Thái, Nùng ở các thung lũng biết thâm canh lúa nước rồi. Cái bánh xe đạp phải chăng từ bên Tây sang; có lẽ xuất hiện từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Chẳng thế người Việt vẫn dùng các từ như, gác - đơ - bu (cái chắn bùn), ghi - dông (cái cầm để lái), gac - đơ - sen (cái chắn xich), phuôc-tăng (ổ bi trên trục lên ghi đông), Bi - đan (chỗ đặt 2 chân)… theo ngôn ngữ  Pháp, dùng lâu thành Việt hóa.   

Cọn nước ở xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân.

Tên “cọn nước” ngoài nghĩa “múc nước”, còn có nghĩa không phải để múc nước như nêu trên; mà cái cọn còn biết dùng sức nước để làm thêm việc khác; Ví dụ: Cọn nước giã gạo. Mỗi khi cọn quay vòng, nó vít đè một đầu của cân giã để đầu kia có gắn chày bật lên, rồi đưa chày đâm phập xuống cối đã có thóc chờ sẵn. Đây là hiện tượng dùng cọn nước để giã gạo thay cho sức người (tiếng Tày gọi là chộc pặt, chộc là cối). Lại có cách giã gạo, không dùng cọn nước, nếu có mương dẫn gần nhà, họ bắc nước cho đổ thẳng vào máng của một thân gỗ làm cần giã khoét rộng một đầu; khi nước đầy máng, nó nặng hơn đầu đã đẽo vuốt nhỏ, có gắn chày sẽ vút lên, đổ hết máng nước, sau đó vút xuống để cho chày đâm phập đúng lòng cối có thóc (tiếng Tày gọi là chộc nặm). Nếu không dùng sức nước, gĩa bằng chân đạp xuống, để một đầu cần giã vút lên… (tiếng Tày gọi là chộc kha). Vậy là, các chị em dân bản đi làm về không phải mất nhiều sức, chỉ cần sàng sẩy thì đã có gạo sạch hàng ngày xuống nồi.

Đến các thôn quê miền núi, vùng Mường, Tày, Thái, Nùng bắt gặp cái cọn nước kẽo kẹt đang quay, hòa cùng âm thanh rì rào nước chảy; nhìn từng ống bương lặn ngụp đêm ngày; cần mẫn giúp nhà nông đưa nước vào đồng, chúng ta càng khâm phục về sức sáng tạo, về trí tuệ thẩm mỹ, về sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, về khả năng biến khó khăn thành thuận lợi của bà con dân tộc thiểu số. Cọn nước ngày nay, có thể làm bằng sắt thép, nhưng dù có thay đổi bao nhiêu thì vẫn phải từ cái bắt đầu thủa sơ khai mà người xưa đã để lại kinh nghiệm cho hậu thế. Cọn nước chẳng những giúp nhà nông làm ra hạt thóc mà còn tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên, riêng có của nông thôn miền núi chúng ta. Cọn nước, giờ đây còn là địa chỉ hấp dẫn, níu kéo du khách gần xa mỗi khi họ bần thần ngắm nhìn, dõi theo từng bương nước lặn xuống, ngoi lên, đổ ào xuống máng, ngoan ngoãn theo dòng mương về làm bạn với khóm lúa, vườn cây.

CỌN NƯỚC, phải được coi là một công trình nghệ thuật sáng tạo của người xưa. Và, như thế, nó là một di sản văn hóa đáng được ghi danh.

Ma Văn Đức

Tin cùng chuyên mục