Ngoài chuyện chi tiêu, mua sắm, quà biếu Tết, thì chủ đề “năm nay ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại” cũng vẫn luôn là câu chuyện không có hồi kết đối với các gia đình trẻ thời hiện đại.
Tuy vậy, dù ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại thì Tết Nguyên đán cổ truyền vẫn luôn có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn, trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Theo quan niệm của ông cha ta, ngày Tết của người Việt còn là dịp được dành riêng cho những mối quan hệ thiêng liêng mà người xưa vẫn thường nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. “Cha” là đại diện của “họ hàng bên nội”. Do đó, “mùng 1 Tết cha” có nghĩa là sáng ngày mùng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Sang đến ngày mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại. Các nghi thức “Tết mẹ” cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội. Ngày mùng 3 Tết, người Việt, nhất là giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may mắn trong năm mới.
Người Việt tin rằng, cả ba mối quan hệ này đều liên hệ trực tiếp và chặt chẽ đến sự xuất hiện, phát triển và trưởng thành của mỗi người. Vì thế cả ba mối quan hệ đó rất quan trọng. Tất cả những mối quan hệ này là thiêng liêng, vượt qua khả năng thay thế, hay bù đắp của vật chất, hoặc bất kỳ điều gì khác. Sâu thẳm hơn, giúp chúng ta hiểu về những giá trị của nguồn cội, của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”. Đồng thời gợi nhắc phong tục đẹp của dân tộc ta, đó là sự biết ơn, kính trọng đối với những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mỗi chúng ta trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết