Theo quan niệm cổ truyền, “cha” là đại diện của họ hàng bên nội, “mẹ” là đại diện của họ hàng bên ngoại. Do đó, việc Tết cha, Tết mẹ là để tỏ lòng thành kính, hiếu đễ đối với đấng sinh thành, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Không bên nào được nặng hay nhẹ hơn bên nào.
Một người con được gọi là hiếu đạo thì luôn lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất và tình cảm; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không làm cha mẹ phiền lòng.
Ngày nay, xã hội phát triển, nhiều người sinh sống và làm việc xa quê. Vậy Tết cha mẹ thế nào?
Không thể khẳng định người có quà Tết đắt tiền sẽ có hiếu hơn người có quà Tết ít tiền hơn. Cũng không thể khẳng định người ở gần cha mẹ có hiếu hơn người xa quê.
Vậy nên, nếu không thể thu xếp về đón Tết cùng cha mẹ, cũng đừng coi đó là bất hiếu. Tất nhiên, chỉ khi bất khả kháng. Còn nếu vẫn có vài ngày du lịch Tết hay hò hẹn vui xuân cùng bè bạn mà để cha mẹ ngóng trông thì không nên.
Kinh Tạp Bảo Tạng của nhà Phật có viết: “Muốn được tất cả thiên thần ở trong nhà, chỉ cúng dường cha mẹ, tất cả thiên thần đều ở trong nhà. Cho đến muốn cúng dường Thánh Hiền và Phật, chỉ cúng dường cha mẹ, các vị Thánh Hiền và Phật đều ở trong nhà”.
Khi đã đặt lòng hiếu kính cha mẹ lên hàng đầu, quan tâm cha mẹ mỗi ngày, không riêng gì những ngày Tết, thì không có gì phải băn khoăn.
Cha mẹ già như “chuối chín cây”. Biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn của cha ông để lại, hiếu kính cha mẹ, ta sẽ có mùa xuân vui.
Gửi phản hồi
In bài viết