Đã có những câu chuyện đáng tiếc, thậm chí rất buồn về việc này. Có nữ sinh tự tử vì mạng xã hội lan truyền clip em và bạn trai hôn nhau. Có người nhiễm Covid-19 bị cộng đồng mạng săn lùng thông tin cá nhân và các mối quan hệ của họ như “tội đồ” với nhiều suy diễn bình luận, công kích. Lại có những người mất nhiều tiền và tài sản vì bị kẻ xấu đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội để lừa đảo…
Nguyên nhân của tình trạng này một phần do chưa nhiều người hiểu rõ các quy định về quyền riêng tư, mơ hồ về quy định của pháp luật, nghĩ mình đang đem “sự thật” đến cho mọi người, nên vô tư đón nhận thông tin và share nhiệt tình trên mạng xã hội.
Nhưng phần nguy hiểm khác là có những người ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận để biểu lộ thái độ của họ trước các vấn đề xã hội. Họ luôn muốn tỏ rõ quyền dân chủ, mỗi khi gặp chuyện chưa vừa ý là viết status, livestream bôi nhọ, lôi kéo bạn bè và cộng đồng vào “tẩy chay” bất chấp vi phạm pháp luật.
Thậm chí họ lợi dụng mạng xã hội, ngang nhiên vi phạm quyền riêng tư của người khác như tiết lộ bí mật đời tư, tiết lộ thông tin giao dịch ngân hàng, bán dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Pháp luật nước ta đã có những quy định rõ ràng về các chế tài xử lý khi có hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để thực thi các quy định này, cần rất nhiều vấn đề về kỹ thuật, thời gian và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, trong khi mạng xã hội thì rất nhanh. Nên nhiều trường hợp khi xử phạt xong thì hậu quả gây ra đã quá nghiêm trọng.
Chính vì vậy, mỗi người cần tự bảo vệ mình và có ý thức tôn trọng người khác trên không gian mạng. Cần có trách nhiệm và hiểu biết về pháp luật khi dùng mạng xã hội để mỗi chia sẻ hoặc biểu lộ thái độ đều không tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác. Tôn trọng quyền của người khác thì mới hy vọng người khác tôn trọng các quyền của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết