Chữ tâm trong kinh doanh

- Có một quầy bán thịt lợn được nhiều khách hàng tin tưởng. Khách hàng hầu hết là người quen, đều gọi điện đặt hàng từ hôm trước nên bà chủ thường bán hết cả con lợn trong buổi sáng.

Chả là ông chủ, ngày nào cũng vào vùng sâu bắt về một con lợn và để ở ngay trước cửa nhà. Để mọi người biết là lợn sạch vùng cao. Việc cũng không có gì để nói nếu như không nghe chuyện kể của bà hàng xóm sát vách nhà bán thịt lợn. Một buổi sáng, bà dậy sớm hơn mọi khi và thấy cảnh ông chủ nhà bán thịt lợn chở về một bọc thịt lợn rất to, nhìn nhanh thì thấy trong đó có chân giò, tim và các loại thịt. Phía quầy hàng, bà chủ vẫn đang pha thịt con lợn vừa mổ xong. Thì ra, cứ sáng sớm ông ra chợ đêm mua thêm thịt lợn để phục vụ nhu cầu khách hàng. Bao nhiêu người đặt mua tim lợn thì có bấy nhiêu quả tim, bao nhiêu người đặt mua chân giò thì có bấy nhiêu cái chân. Chuyện nghe thật bi hài nhưng lại có thật và chắc hẳn không phải hy hữu.

Rõ ràng khách hàng đã chọn địa chỉ tin cậy để mua. Nhưng họ vẫn bị lừa. Trớ trêu hơn, là bị chính người hàng xóm cận kề lừa dối. Người thân quen cũng không đáng tin, thậm chí sản phẩm đã mắt thấy, tay sờ. Và địa chỉ uy tín như siêu thị cũng vậy khi gần đây liên tiếp những vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái tuồn vào siêu thị. Người tiêu dùng mất tiền thật để mua hàng giả. Niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay thực sự.

Trước thực trạng này, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng hầu hết vẫn cho rằng khách hàng phải là người tiêu dùng thông thái. Điều này là đúng. Nhưng song hành là cần cái tâm của người bán hàng. Bởi hiện nay, hầu hết người tiêu dùng đã tìm đến địa chỉ uy tín, nhưng họ vẫn bị lừa. Vậy vấn đề đáng nói ở đây là cái tâm của người bán hàng. Chỉ khi họ thật sự kinh doanh bằng cái tâm thì quyền lợi của người tiêu dùng mới đảm bảo bên cạnh hàng loạt các giải pháp đã được cơ quan chức năng thực thi.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục