Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng đối với Người khuyết tật còn hạn chế, dẫn đến việc không đảm bảo được các quyền của Người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Vẫn còn không ít người khuyết tật bị kỳ thị, phân biệt đối xử; nhiều địa phương chưa có hệ thống đồng bộ về giao thông, công trình xây dựng, các công trình công cộng… để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng dễ dàng. Đường tiếp cận cho người dùng xe lăn, thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị ở các hè phố, tòa nhà, bến xe, xe buýt... hầu như chưa có, hoặc có rất ít.
Khắc phục những hạn chế trên, cần sự nỗ lực từ tất cả các thành phần xã hội. Cần quy định cơ chế để Người khuyết tật khiếu nại, tố cáo tự bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình, làm rõ chế tài và cơ chế xử lý đối với cá nhân, tổ chức không thực thi các quy định. Quan trọng hơn, cần đối xử với người khuyết tật bình đẳng như với những người khác, tránh những kỳ thị, thương hại người khuyết tật. Tất nhiên, bình đẳng không có nghĩa là ngang nhau, mà cần phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm sinh lý của người khuyết tật theo đúng các quy định hiện hành.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều tấm gương người khuyết tật vượt lên khó khăn và thành công, đồng thời giúp người đồng cảnh vươn lên có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật được thể hiện xuyên suốt, từ Pháp lệnh Người tàn tật 1998 đến Luật Người khuyết tật 2010; góp phần giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tự ti để hòa nhập vào cuộc sống, để họ thấy họ được công nhận như những công dân bình thường, được hưởng các quyền, cũng như thực hiện nghĩa vụ như mọi công dân khác.
Chính vì vậy, tôn trọng, thực hiện nguyên tắc bình đẳng đối với người khuyết tật cả về danh nghĩa, cơ hội và kết quả chính là cách thực hiện tốt nhất để đảm bảo lợi ích cho người khuyết tật.
Gửi phản hồi
In bài viết