Nhiều mặt hàng giảm sức mua
Trong lúc nhiều mặt hàng giá cả tăng, người dân chỉ lựa chọn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do siết chặt chi tiêu. Bởi vậy, một số mặt hàng không thiết yếu sức mua có giảm sút. Anh Hoàng Ngọc Long, Trưởng Ban Quản lý thương mại Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, một số mặt hàng trong Siêu thị Tuyên Quang tiêu thụ rất chậm như đồ gia dụng, đồ chơi, mỹ phẩm. Nhiều mặt hàng trong siêu thị bắt buộc phải tăng giá do chi phí đầu vào đều tăng như các loại bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt, mỳ miến... Người dân chỉ chọn mua những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các loại mặt hàng khác tiêu thụ rất chậm hoặc có bán được nhưng số lượng không nhiều.
Khách hàng mua hải sản tại Cửa hàng hải sản Hải Yến, đại lộ Tân Trào (TP Tuyên Quang) phải cân nhắc chi tiêu trước khi mua sắm.
Nếu như trước đây cửa hàng hải sản của chị Vũ Hải Yến, đường Tân Trào (TP Tuyên Quang) đều nhộn nhịp khách ra vào với đủ các loại hải sản từ đắt tiền đến bình dân thì nay có phần vắng bóng hơn. Các loại mặt hàng cũng không còn phong phú như trước, chủ yếu chỉ bày bán một số sản phẩm có mức giá bình dân như tôm. Chị Yến cho biết, giá cả tăng cao, hàng khan hiếm nên chị cũng không nhập các mặt hàng có giá cao về bán. Các loại hải sản đắt đỏ như cua, ghẹ, tôm hùm tiêu thụ chậm hơn so với trước, vì người mua chỉ chọn các loại hải sản thông thường.
Dạo quanh một vòng xung quanh chợ Phan Thiết, qua khảo sát cho thấy các mặt hàng như rau, củ, quả, thịt, cá... đều tăng giá từ 10 -12% so với trước đây. Chị Lý Thị Năm, chủ cửa hàng bán thịt lợn ở chợ Phan Thiết cho hay, giá thịt lợn tăng hơn một chút so với trước đây. Những gia đình có kinh tế khá giả vẫn mua với số lượng bình thường nhưng những người có mức thu nhập thấp như lao động tự do, công nhân đều mua với số lượng giảm hẳn so với trước đây.
Tại nhiều nhà hàng cũng phải sắp xếp lại phân khúc bán hàng vì lượng khách giảm trong khi vẫn phải duy trì hoạt động. Chị Phạm Thị Mai Liên, chủ nhà hàng Đầu Bò, tổ 4, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, nếu như trước đây, khách gọi nhiều đồ hơn với các món ăn đặc sản, có mức giá cao thì nay lượng khách gọi những món ăn bình dân nhiều hơn với lượng thức ăn vừa đủ. Trong khi mọi chi phí nguyên liệu đầu vào đều tăng nhưng nhà hàng vẫn phải thuê nhân công, đảm bảo chất lượng phục vụ cũng như chất lượng các món ăn. “Thôi đành lấy ngắn nuôi dài, tìm cách xoay sở vậy!” - Chị Liên bày tỏ.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Để thắt chặt chi tiêu, nhiều gia đình, người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
Một lái xe taxi của hãng Taxi Thành Tín (TP Tuyên Quang) cho biết, nếu như trước đây, anh phải đi dạo, rong ruổi trên một số tuyến đường, địa điểm trả khách để đón khách thì nay, sau khi đến công ty nhận việc rồi đến bãi đậu xe, anh cũng không dám đi rong ruổi tìm khách như trước đây để tiết kiệm xăng. Một ngày, anh phải đổ 1,3 triệu tiền xăng. Nếu như trước đây, anh có thể đón được từ 5 đến 6 khách một ngày thì nay có ngày không được khách nào. Vì khi xăng tăng giá, nhiều khách hàng không lựa chọn dịch vụ đi taxi mà chọn các phương tiện khác ít tốn kém hơn như xe máy, xe khách để di chuyển.
Tại cửa hàng tạp hoá Long Ly, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, khách hàng chỉ chọn các sản phẩm thiết yếu.
Bà Lê Thị Thu, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, nếu như trước đây, bà thường lựa chọn mua rau xanh, hoa quả ở siêu thị. Nhưng từ khi giá rau, hoa quả tăng, bà Thu lựa chọn mua rau xanh, hoa quả và một số thực phẩm khác ở chợ, chỗ người quen và biết rõ nguồn gốc. Trong một ngày, bà Thu cũng chỉ mua một lượng thức ăn vừa đủ cho cả nhà, không mua nhiều sang cả ngày hôm sau, tránh lãng phí.
Còn chị Đặng Trà My, chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu, đường Bình Thuận, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ, khi giá cả tăng, người mua hoa quả của cửa hàng chị cũng thay đổi thói quen. Nhiều khách hàng trước đây chỉ mua những loại hoa quả đắt tiền như lê Hàn, nho xanh, Kiwi, cherry... thì nay chuyển sang mua các mặt hàng giá cả thấp hơn như dưa hấu, dưa vàng, táo, roi đỏ...
Có thể thấy rằng, trong thời gian này, cả người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đều phải chật vật và bị tác động khi giá cả tăng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần biết thay đổi thói quen chi tiêu để thích ứng, biết cách kiểm soát tiêu dùng, quản lý tài chính. Đó là hạn chế tiêu dùng vào những việc không cần thiết. Đây là cách làm hợp lý để vượt qua khó khăn trong thời bão giá.
Gửi phản hồi
In bài viết