Ông bà tôi là người miền xuôi lên Tuyên Quang khai hoang rồi sinh cơ lập nghiệp tại đây. Bố tôi là con trai trưởng, lại sinh được hai cô con gái nhưng ông bà tôi không áp đặt phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên như những người anh em họ mạc ở quê. Tuy nhiên, sau những lần về thăm quê và bị tác động quá nhiều của bà con lối xóm, bà nội tôi bắt bố tôi phải về quê cưới vợ khác để đẻ con trai. Mẹ tôi thì nhất quyết không sinh thêm vì là người làm trong Nhà nước. Sau lần đó, bố mẹ tôi đã phải làm một "cuộc cách mạng" về tư tưởng cho ông bà và đã thành công cho dù không dễ dàng gì.
Ở gần nhà tôi lúc đó, tất cả những gia đình nào sinh 2 con gái đều sinh thêm con trai, thậm chí có gia đình sinh tới 8 cô con gái. Chị em tôi luôn cảm thấy vui và có chút hãnh diện nữa khi bố mẹ không sinh thêm em. Vì vậy, chị em tôi được chăm sóc tốt hơn những đứa bạn cùng trang lứa khác. Ngày Tết, bố mẹ tôi chỉ phải sắm cho con 2 bộ quần áo, 2 đôi dép mới trong khi các gia đình khác phải mua nhiều hơn gấp nhiều lần nên chúng tôi thường có đồ "xịn" hơn. Hay chị em tôi cũng có nhiều đồ chơi hơn, nhiều truyện tranh hơn các bạn khác.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ chính là nguồn cơn của tình trạng bất bình đẳng giới tính hiện nay. Nhiều gia đình muốn đẻ con trai và phải đẻ bằng được con trai làm cho tỷ lệ trẻ em trai sinh ra nhiều hơn trẻ em gái. Con nào cũng là con, không quan trọng là trai hay gái, miễn đó là những đứa trẻ nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình, nhà trường, xã hội; đó là những đứa con hiếu thảo với gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người... Tư tưởng phong kiến, lạc hậu trọng nam khinh nữ cần phải loại bỏ ngay trong nhận thức của cả cộng đồng và toàn xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết