Đất cổ thanh bình
Sách Địa chí Tuyên Quang, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2014 cho thấy Tuyên Quang là vùng đất cổ. Những cuộc điều tra và khai quật khảo cổ tại một số địa phương trong tỉnh đã tìm được một số lượng lớn các di tích và di vật cổ sinh cách đây hàng chục vạn năm. Những chiếc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở Nhân Lý (Chiêm Hóa), Thiện Kế (Sơn Dương), Xuân Vân (Yên Sơn) đều là tìm thấy trong lòng đất, chứng tỏ cư dân Tuyên Quang cổ thực sự là chủ nhân của chúng. Dấu tích cư trú của cư dân thời Vua Hùng cũng đã hiện diện tại 3 làng cổ Bình Ca, bãi Soi và Thiện Kế - đều thuộc văn hóa thời Tiền Đông Sơn. Trong đó, Bình Ca và Bãi Soi thuộc buổi đầu của thời địa Kim khí và Thiện Kế thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun, khi dân Tuyên Quang đã đúc đồng khá thành thạo.
Cổng phía tây Thành Tuyên Quang.
Chứng tích các làng cổ với tầng văn hóa rõ rệt cùng với một loạt hiện vật đặc trưng cho cuộc sống hằng ngày của cư dân định cư lâu dài cho thấy Tuyên Quang đã có xóm làng đông đúc cách nay gần bốn nghìn năm. Chính các tộc người của Tuyên Quang đã thành lập một trong mười lăm bộ của Nhà nước Văn Lang xưa, đoàn kết, chung sức xây dựng nhà nước Văn Lang, Âu Lạc. Sự xuất hiện của trống đồng cho thấy có thể xứ Tuyên ngày ấy đã manh nha tầng lớp quý tộc Đông Sơn - là những thủ lĩnh vùng, nằm trong hệ thống chính trị của Nhà nước mà sử sách đã nói tới. Các tài liệu khảo cổ học và dân tộc học so sánh cũng cho thấy cư dân Tuyên Quang từ cổ xưa đã có chung văn hóa và trình độ kỹ thuật như cư dân các vùng miền khác trong cả nước. Nhìn chung, đó là một xã hội nông nghiệp nguyên sơ, thanh bình.
Vạn cổ án Thăng Long
PGS. TS. Trần Mạnh Tiến (Đại học Sư phạm Hà Nội) kể rằng, trong những lần đi điền dã văn học ông đã tiếp cận được nhiều bài văn bia cổ bằng chữ Nôm, chữ Hán viết về xứ Tuyên. Tấm bia đá trên núi Thổ Sơn ở thành phố Tuyên Quang có ghi: “An biên viễn hải ưu kim bạc/Tuyên thành vạn cổ án Thăng Long”, nghĩa là: Vùng an biên xa biển có nhiều vàng bạc/Thành Tuyên đời đời che chắn đất Thăng Long. Các triều đại phong kiến đều coi Tuyên Quang là vùng biên ải, là phên dậu che chắn cho kinh thành Thăng Long.
Một trong những cách được sử dụng để che chắn kinh thành hữu hiệu được thời Lý sử dụng là dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc, lôi kéo các tù trưởng có thế lực ở miền núi. Vua Lý Thái Tổ gả con gái cho tù trưởng động Giáp ở Lạng Châu là Thân Thừa Quý; 2 đời vua sau cũng gả công chúa con trai và cháu nội người này, giúp cửa ngõ phía Lạng Châu được che chở.
Tại Tuyên Quang, vua Lý Nhân Tông đã gả em gái là công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long Hà Hưng Tông để ràng buộc họ Hà vùng Chiêm Hóa. Từ chính sách khôn khéo này, họ Hà châu Vị Long đã trải qua 15 đời nối tiếp làm châu mục, hết lòng phụng sự triều đình, bảo vệ bờ cõi đất nước, chăm lo cuộc sống nhân dân. Tại xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) hiện còn ngôi chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa. Bài Minh trên tấm bia đá (đã được công nhận là Bảo vật quốc gia) của chùa có ghi rõ: “Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1074), thân phụ Thái phó chỉnh đốn vương sự, đánh sang ải Bắc. Vây thành Ung cho bõ giận, bắt tướng võ dâng tù binh. Do đó, thân phụ Thái phó được nhà vua ban chức Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ. Cấy cày theo phép tỉnh điền, thóc lúa ùn ùn như núi; khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố phường…”.
Thời nhà Trần, triều đình cử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trấn thủ lộ Tuyên Quang. Đây là vị vương công nổi tiếng hiểu nhiều biết rộng, thông thạo nhiều ngoại ngữ và hiểu biết sâu rộng về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các nước láng giềng. Ông từng “không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang” khiến nhà Trần yên ổn được biên giới Tây Bắc, đồng thời có công lớn trong Chiến tranh Nguyên -Mông 1285. Trong sách Đại Việt Sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sỹ Liên nhận định: “Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”.
Một góc đêm Thành Tuyên.
Ngày nay, dưới chân núi Pắc Tạ, giữa lòng hồ thủy điện Na Hang vẫn sừng sững một ngôi đền cổ kính, linh thiêng, là dấu tích liên quan đến vị vương tài giỏi này. Rằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm 1285, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lúc đó đang trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã đem lòng ái mộ người con gái một viên tù trưởng địa phương. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, triều đình đứng ra tổ chức hôn lễ cho Chiêu Văn Vương với ái nữ xứ Tuyên. Trên đường đón vị hôn thê của tướng quân về kinh đô, gặp cơn lốc xoáy dữ khiến thuyền bị lật. Người vợ trẻ của tướng quân Trần Nhật Duật và cả đoàn tùy tùng bị chìm dưới lòng sông. Người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà quy thác.
Nhiều tài liệu cổ còn cho thấy, thành Tuyên chính là nơi các sứ thần phương Bắc phải lưu lại mỗi khi đến nước Việt, chờ lệnh của Thăng Long mới được tiếp tục hành trình. Theo PGS. TS Trần Mạnh Tiến, cái tên chợ Tam Cờ ở trung tâm thành phố Tuyên Quang cũng bởi Tuyên Quang vừa là điểm tiếp sứ, vừa có giao thương phát triển; nên luôn có 3 lá cờ: Cờ nhà nước Đại Việt của nhà Trần, cờ hiệu của xứ Tuyên và cờ của đoàn sứ nước ngoài.
Là phên dậu cho kinh thành, Tuyên Quang cũng là nơi có địa thế hiểm yếu, và lòng người thì mộc mạc, sắt son. Suốt những năm cách mạng còn trong trứng nước, hay trong kháng chiến chín năm trường kỳ chống thực dân Pháp, đất và người Tuyên Quang đã chở che, bảo vệ Bác Hồ và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ. Tuyên Quang tự hào đã đi vào câu hát “Nước Việt Nam mình sinh ra giữa chốn đây”. Tuyên Quang vinh dự được Đảng, Nhà nước và bạn bè gọi là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Mỗi tên đất, tên làng vùng an toàn khu Sơn Dương, Yên Sơn hay Chiêm Hóa đều gắn với trang sử của cách mạng Việt Nam, của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương. Những kỷ niệm thời gian khó giờ được khơi gợi lại, ghi dấu bằng những trường học, bệnh viện, nhà văn hóa... làm quà tặng tri ân đất và người Tuyên Quang nhân hậu, thủy chung.
Những nền tảng của gần 2 thế kỷ, những thành tựu của mấy mươi năm có Đảng lãnh đạo đã và đang làm nên một Tuyên Quang đáng tự hào. Một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã cho thấy những bước chuyển quan trọng. Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng mức đầu tư 3.112,97 tỷ đồng đã được khởi công từ đầu năm 2021, để Tuyên Quang gần hơn với Thủ đô và cả nước.
Tự bao đời, quan niệm tâm linh của người Việt đã coi hổ trong số 12 con giáp là biểu tượng của sự dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Nên tin chắc năm Nhâm Dần này và những năm tiếp theo, Thành Tuyên vẫn làm tốt sứ mệnh “án Thăng Long”, tiếp tục có thêm những bước phát triển mới.
Gửi phản hồi
In bài viết