Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống. Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bảo tồn di sản, đặc biệt trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh như đấu trường La Mã, lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc)...
Ở nước ta, từ năm 2013 đã có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu nhiều chuyên đề như “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam” và “Linh vật Việt Nam”. Gần đây các trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”, mô hình phục dựng điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, ứng dụng (app) hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, hoặc các buổi trình diễn trong tua đêm tại Văn Miếu quốc tử giám, nhà tù Hỏa Lò... là minh chứng sinh động của việc số hóa di sản, đưa di sản đến gần hơn với công chúng.
Bảo tàng Tuyên Quang được đông đảo du khách và nhiều chuyên gia đánh giá cao về sự phong phú của tư liệu trưng bày. Nhưng xu thế hiện nay của bảo tàng không còn dừng lại ở việc trưng bày truyền thống, mà đã số hóa hiện vật, cổ vật... để tạo hiệu ứng sinh động, tương tác với người xem. Nếu số hóa được các nghi lễ Then Tày, Cấp sắc Dao, nhảy lửa Pà Thẻn,... thì không những đem di sản đến gần hơn với công chúng; mà còn khiến ta yên tâm không sợ di sản bị thất truyền hay mai một. Thử hình dung nếu mỗi cuối tuần Bảo tàng tỉnh có một đêm đón khách xem trình diễn một di sản, thì không chỉ du khách, mà chính những người dân thành phố cũng sẽ háo hức đón xem. Bởi nhiều di sản văn hóa vốn chỉ diễn ra tại các bản làng, trong một số thời điểm nhất định của năm, không phải người dân địa phương nào cũng từng được tiếp cận. Ấy là chưa kể việc đưa các di sản đã số hóa lên các phương tiện truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, các trang web cho công chúng khám phá, tương tác.
Năm 1945, chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà được độc lập, dù còn bộn bề với các công việc cấp bách, nhưng với tầm nhìn minh triết, đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể).
Từ cuối năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt chương trình Số hóa di sản văn hóa với mục tiêu 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% bảo vật quốc gia, di sản trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% số người làm công tác chuyên môn trong ngành Di sản Văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Vậy nên, thực hiện số hóa di sản chính là cách làm phù hợp xu thế hiện nay để bảo tồn và quảng bá di sản, đồng thời góp sức cùng thúc đẩy du lịch phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết