Đối với các bếp ăn tập thể, các văn bản chú trọng các quy tắc quy chuẩn khi lựa chọn, sơ chế, chế biến thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn, đảm bảo khẩu phần và chất lượng; yêu cầu cả doanh nghiệp chủ quản và đơn vị cung ứng suất ăn kiểm soát chặt chẽ với nhiều bước như kiểm tra nguồn nguyên liệu nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Riêng trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ làm 368 người bị ngộ độc.
“Thủ phạm” được tìm thấy trong các vụ ngộ độc tập thể lớn chủ yếu do vi khuẩn Salmonella spp - nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy trên toàn cầu. Điều kiện thời tiết cũng là tác nhân thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Ngoài ra còn do các động vật chứa độc tố tự nhiên, ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm chưa đúng cách, ý thức chấp hành quy định pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến còn chưa nghiêm.
Sức khỏe người lao động, học sinh trong các bếp ăn tập thể chính là sức khỏe của doanh nghiệp, đơn vị. Do vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm đi đôi với nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể. Trong đó, người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về ATTP theo đúng quy định. Bên cạnh đó cần huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, công đoàn và các tổ chức xã hội có liên quan trong doanh nghiệp, đơn vị để giám sát an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết