Nếu trên trái đất, diện tích đất trồng lúa chiếm 11% thì tại Việt Nam khắp nơi đều trồng lúa, nhất là ở các miền đồng bằng. Trên thế giới, số người được sống bằng lúa gạo là 50% thì tại Việt Nam là 100%. Trên thực tế, việc sản xuất ra lúa gạo là một hoạt động kinh tế đứng hàng đầu. Những cánh đồng lúa trải dài từ khắp miền núi, đồng bằng đến cao nguyên, hình thành nên nhiều vùng thâm canh cây lúa.
Cây lúa vừa phải làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế, tạo điều kiện cho nông dân làm giàu. Không chỉ giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội mà còn có giá trị lịch sử, bởi lịch sử phát triển của cây lúa gắn với lịch sử phát triển của cả dân tộc Việt Nam, in dấu ấn trong từng thời kỳ thăng trầm của đất nước. Trước đây, cây lúa, hạt gạo chỉ có thể đem lại sự no đủ cho con người thì ngày nay nó còn có thể làm giàu cho người nông dân và cho cả đất nước nếu chúng ta biết biến nó thành một thứ hàng hóa có giá trị.
Mỗi vùng quê, mỗi dân tộc có những phương thức canh tác lúa khác nhau. Vừa qua, Tuyên Quang vinh dự có một di sản được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày ở huyện Lâm Bình. Qua thời gian, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển sẽ thay thế một phần hoặc có thể hoàn toàn sức người bằng các phương tiện hiện đại trong canh tác cây lúa nước. Trồng cây lúa nước không chỉ có nhiệm vụ sản xuất ra lúa gạo phục vụ đời sống con người mà còn là bản sắc văn hóa riêng có của người Tày nơi đây cần gìn giữ, trân trọng, bảo tồn, nhất là cần giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa về tập quán trồng lúa nước riêng có của đồng bào dân tộc vùng cao đến muôn phương.
Gửi phản hồi
In bài viết