Không chỉ đơn thuần là kết quả của phương thức sản xuất nông nghiệp, tri thức trồng lúa nước của đồng bào Tày miền núi còn là biểu tượng thấm đẫm các giá trị văn hóa lịch sử, là minh chứng cho tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức nỗ lực sáng tạo vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt; mang lại nguồn lương thực và là tiềm năng dồi dào để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng miền núi.
Nhiều địa phương đã phát triển những tour du lịch, những lễ hội khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang, kèm theo đó là sự phát triển của du lịch cộng đồng như ở La Pán Tẩn, Nặm Khắt, Cao Phạ của Mù Cang Chải; hay Nặm Hồng ở Hoàng Su Phì; Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn ở Sa Pa.
Ở Tuyên Quang, du lịch trên cánh đồng Thượng Lâm hay lễ hội mùa vàng Hồng Thái cũng đã được tổ chức vài năm gần đây, với các trải nghiệm bay khinh khí cầu, bay dù lượn, và một số hoạt động khác.
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch còn chưa phong phú và thật sự đặc sắc, cần có chiến lược đầu tư và những giải pháp phát triển toàn diện.
Hiện thời gian khai thác du lịch mới tập trung vào mùa lúa chín (khoảng tháng 9, tháng 10) và mùa đổ nước với ruộng bậc thang (khoảng tháng 4, tháng 5). Nên khắc phục tính mùa vụ này bằng cách tăng thời gian khai thác du lịch vào mùa lúa con gái (tháng 7, tháng 8), hay mùa hoa trên ruộng vụ đông (tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau). Đây cũng là những thời điểm rất đẹp cho du khách trải nghiệm.
Mặt khác, cần tổ chức sản xuất và cung cấp đặc sản địa phương cho du khách như nuôi cá ruộng để du khách trải nghiệm bắt cá, mua mắm cá ruộng; trồng gạo nếp đặc sản, để có gạo ngon làm các loại bánh cho du khách thưởng thức và mua sắm…
Có như vậy, mới giúp di sản trở thành tài sản cho chính địa phương và Nhân dân được thụ hưởng.
Gửi phản hồi
In bài viết