Với tốc độ kinh tế phát triển và đô thị hóa hiện nay, lượng rác thải ở các đô thị tăng gần 9% mỗi năm và đến năm 2030 tổng lượng chất thải cả nước ước đến 54 triệu tấn, gây ra những áp lực lớn lên môi trường nếu không được xử lý tận gốc.
Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định có liên quan đến việc xử lý PTXD như Luật Xây dựng năm 2014 quy định các nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về quản lý PTXD; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định PTXD sẽ được thu thập, xử lý đầy đủ; Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình năm 2009 quy định, nhà thầu xây dựng phải vận chuyển và thải bỏ PTXD tại những nơi được chỉ định… Nhưng hiện nay, phương pháp xử lý PTXD phổ biến nhất vẫn là đổ bừa bãi ra môi trường và chôn tại những bãi chôn lấp. Việc xử lý PTXD đang tiêu tốn một lượng tài chính không nhỏ đối với chính quyền đô thị.
Theo các chuyên gia, các thành phần chính của phế thải xây dựng như đất, gạch, bê tông có thể được tái chế, tái sử dụng bằng cách xử lý, quản lý thích hợp và có thể được sử dụng cho các công trường xây dựng khác. Ví dụ, đất dùng để sản xuất gạch đất sét, sỏi và cốt liệu có thể dùng cho vật liệu nền đường, sản xuất bê tông... Việc sử dụng vật liệu tái chế góp phần trực tiếp để tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đã có địa phương, doanh nghiệp sử dụng PTXD như một nguồn nguyên liệu lý tưởng để sản xuất gạch, ngói không nung, nhưng chưa nhiều.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để thúc đẩy việc xử lý, tái chế PTXD; nên các nhà máy, cơ sở tái chế PTXD vẫn chưa được phát triển. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25 - 30% là rác thải xây dựng.
Nếu biết quản lý, tận dụng và xử lý đúng quy chuẩn, những chất thải này có thể trở thành vật liệu tiềm năng để tái sử dụng, thay thế các loại vật liệu khai thác tự nhiên. Và như vậy sẽ đạt lợi ích kép, bắt phế thải xây dựng đẻ ra tiền.
Gửi phản hồi
In bài viết