Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang quấy rối. Từ nơi núi rừng tới nơi đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà Nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực đi lính và đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với quân giặc. Nay nhà vua được trở về nơi yên ổn, việc làm trước hết là chú ý ngay đến Nhân dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng, nhẹ, có thể miễn tô thuế cho mấy năm. Có như thế Nhân dân mới nức lòng cùng quay hướng về triều đình hơn nữa. Trước khi mất, Ngài còn tâu với vua: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.
Người xưa có câu “Chúng chí thành thành”, coi ý chí của quần chúng là bức thành kiên cố. Nên Nguyễn Trãi cũng từng khuyên nhà vua chăm sóc dân sao cho cả làng trong xóm đều không một tiếng khóc oán sầu. Nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chả có nghĩa lý gì". Lịch sử dân tộc đã chứng minh lòng dân là mạch nguồn tạo nên sức mạnh nội sinh, quyết định sự hưng thịnh, suy vong của quốc gia, dân tộc.
Nhìn lại những ngày trước Cách mạng Tháng Tám 1945 thì thấy, Nhân dân ta lâm vào nạn đói khủng khiếp. Đã có hơn 2 triệu đồng bào bị chết đói bởi chính sách bóc lột tàn khốc của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Người dân phải chống đói bằng cách ăn rễ cây, cỏ dại, tình cảnh đất nước vô cùng thê lương, ảm đạm. Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của Đảng và Bác Hồ; đồng bào, chiến sĩ cả nước đã nhất tề nổi dậy, đập tan ách thống trị của phát xít Nhật, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên tại Đông Nam Á.
Thành công đó là bởi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời được những câu hỏi bức thiết nhất của Nhân dân. Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân nghèo, tiến hành giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất để tiến tới người cày có ruộng. Những quyết sách từ Hội nghị Trung ương 8 của Đảng chính là đề cao quan điểm lấy dân làm gốc, khoan thư sức dân để chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài của cách mạng.
Bên cạnh đó, Mặt trận Việt Minh phát động Cao trào phá kho thóc của Nhật đã giải quyết nạn đói, thể hiện tinh thần đặt lợi ích và mạng sống của người dân lên trên hết, trước hết. Chính vì thế mà khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Nhân dân đã một lòng ủng hộ, đi theo cách mạng.
Tại Tuyên Quang, Nhân dân các dân tộc đã một lòng thủy chung, kiên quyết “không thấy, không nghe, không nói” để giữ bí mật cho Đảng và Bác Hồ; để Cách mạng Tháng Tám bắt nguồn từ Tân Trào, lan nhanh và thành công trên cả nước.
Kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chúng ta càng thấm thía bài học Vì Dân từ xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi chỉ khi nào cách mạng giải quyết được bài toán lợi ích chính đáng và nguyện vọng bức thiết nhất của Nhân dân, thì Nhân dân sẽ một lòng tin và đi theo cách mạng. Bởi cách mạng không thể chỉ hô hào và kêu gọi đoàn kết chung chung, mà phải làm cho Nhân dân nhìn thấy lợi ích, và làm cho lợi ích của Nhân dân cũng chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết