Theo các kết quả nghiên cứu, cây xanh và mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3 - 3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20% - 50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17% - 57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40% - 50% cường độ bức xạ mặt trời...
Giá trị là thế, nhưng đáng buồn là diện tích cây xanh hiện đang ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt là các đô thị. Theo một số liệu từ Bộ Xây dựng, tỉ lệ đất cây xanh tại Việt Nam hiện chỉ đạt 2 - 3 m2/ người, trong khi chỉ tiêu tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2/người và chỉ tiêu của các đô thị hiện đại, văn minh là 20 - 25 m2/người. Một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh mới chỉ đạt 0,55 m2/người, Hà Nội 2,06 m2/người, Đà Nẵng 2,4 m2/người, Hải Phòng 3,41 m2/người…
Sự tập trung phát triển đô thị quá nhanh đã bỏ qua việc xây dựng và bảo vệ cây xanh. Mô típ làm đường - chặt cây đã khá quen thuộc. Tình trạng cây xanh đô thị bị xâm hại đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức: đóng đinh, cuốn dây điện trang trí lên cây, trám xi măng, đổ hóa chất vào gốc cây, khiến cây bị bức tử.
Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đạt 6 - 8 m2 diện tích cây xanh/người dân đô thị vào năm 2025 và 8 - 10 m2/người vào năm 2030. Vì vậy, trồng cây xanh nói chung, cây xanh đô thị nói riêng là việc làm cấp thiết.
Bên cạnh các biện pháp hiện có như tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; việc trồng và bảo vệ cây xanh đô thị phải được thực hiện một cách khoa học, hợp lý cả về vị trí cũng như chủng loại cây nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, làm ăn buôn bán.
Mặt khác, cần tham khảo những cách làm của những đô thị xanh trên thế giới để hạn chế việc tùy tiện chặt hạ, di dời cây xanh như đâu đó đã từng xảy ra. Trên cơ sở nhận thức việc phát triển cây xanh tại đô thị và nông thôn là một nội dung mang tính chiến lược trong phát triển, cần xây dựng mô hình tổ chức quản lý thống nhất, hoàn chỉnh chính sách pháp luật trong quản lý nhằm bảo tồn phát triển cây xanh đúng tiêu chí kỹ thuật, đạt tiêu chí thời gian đặt ra. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ phát triển xanh, mảng xanh, lấy làm tiêu chí xét thi đua, xét bình chọn danh hiệu cho địa phương trong ngắn hạn và dài hạn; đi đôi với các hình thức xử phạt nghiêm khắc.
Mỗi cây xanh đang hiện hữu, dù lớn hay nhỏ cũng luôn phải được nâng niu, chăm sóc và bảo vệ; không thể chặt hạ hay cắt tỉa tùy tiện.
Gửi phản hồi
In bài viết