Cơ hội phòng bệnh

- Ghi nhận của Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm quay trở lại như sởi, ho gà, bạch hầu…

Đối tượng bị mắc bệnh hầu hết ở trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Chính việc trẻ chưa được tiêm vắc xin đã tạo ra lỗ hổng miễn dịch khiến bệnh lây lan trong cộng đồng. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 6, có đến 90% ca bệnh ho gà ở trẻ dưới 5 tuổi và 40% ca bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi - đây là độ tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng mũi đầu tiên. Tất cả số trẻ bị bệnh ho gà đều có mẹ chưa tiêm vắc xin hoặc chưa có tiền sử tiêm chủng ho gà. Còn tại TP Hà Nội, phần lớn các ca mắc ho gà là trẻ dưới 2 tháng tuổi, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc ho gà.

Ngoài nguyên nhân khách quan do thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng khiến cho tỷ lệ tiêm vắc xin thời gian qua đạt thấp còn có nguyên nhân do sự lơ là, chủ quan trong phòng bệnh và nhận thức chưa đúng, chưa đủ về tác dụng của vắc xin trong phòng bệnh của nhiều bậc làm cha mẹ và của người dân. Không ít cha mẹ lo sợ về tác dụng phụ của vắc xin mà tước đi cơ hội phòng bệnh của trẻ, bỏ qua những tác dụng tuyệt vời của vắc xin.

Ở nhiều nước Châu Âu, trước đây cũng dấy lên trào lưu anti vắc xin, khiến một số dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Đến nay, nhiều quốc gia như Úc, Mỹ, Italia, Pháp, Đức đã ban hành những quy định xử phạt cha mẹ học sinh và học sinh rất nghiêm khắc nếu không chịu chấp hành việc tiêm vắc xin cho trẻ. Điển hình như Italia quy định, trẻ dưới 6 tuổi không tiêm vắc xin sẽ không được đến trường, còn phụ huynh có thể bị phạt 500 euro nếu con của họ từ 6 -16 tuổi đi học mà không được tiêm vắc xin đầy đủ. Ở Mỹ yêu cầu trẻ em, kể cả trẻ mầm non sẽ không được đến trường nếu không được tiêm chủng. Ở Pháp, từ năm 2018, việc tiêm 11 loại vắc xin cho trẻ nhỏ là bắt buộc…

Trên thực tế ở nước ta, mới đây, một số trẻ em ở một số địa phương như Phú Thọ, Hà Nội mắc bệnh ho gà được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nguyên nhân cũng được cho là trẻ chưa được tiêm vắc xin để phòng loại bệnh này.

Vắc xin là thành tựu y học quan trọng, giúp kiểm soát dịch bệnh và phòng bệnh cho con người một cách tương đối an toàn, nhất là đối với các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị, Rubella, bại liệt, viêm màng não… Tuy nhiên vắc xin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như sốt nhẹ, tấy chỗ tiêm, buồn nôn, tiêu chảy… nhưng tỷ lệ xác suất xảy ra phản ứng sau tiêm rất nhỏ, thậm chí thoáng qua, trong khi những nguy hại đến từ việc không tiêm chủng lại rất lớn. Song không ít người lại lấy cớ lo sợ những tác dụng phụ này để không tiêm phòng cho trẻ. Khi trẻ không được tiêm phòng vắc - xin đầy đủ rất dễ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Các chuyên gia về y tế cho rằng, các loại vắc xin đều phải trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và sản xuất nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn. Lợi ích của tiêm phòng rất lớn, giúp dự phòng nguy cơ mắc bệnh và tử vong mỗi năm, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân. Bởi vậy, cha mẹ nên trang bị những kiến thức đầy đủ về tiêm vắc xin và chủ động tiêm vắc xin cho trẻ, đừng tước đi cơ hội phòng bệnh cho trẻ, trong khi mỗi bậc cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa các loại bệnh từ xa, từ sớm cho trẻ bằng việc tiêm phòng.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục