Truyền nghề

- Những chiếc túi, ví, khăn thổ cẩm từ núi  được rất nhiều khách du lịch yêu thích. Cái nghề một thời đã nằm trong nguy cơ mai một, giờ được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, một phần nhờ du lịch trên địa bàn phát triển, một phần nhờ nỗ lực của chị - một giáo viên trường nghề.

Ngày chị về trường công tác, tranh thủ ngày nghỉ, thời gian rảnh, chị đến các thôn bản của huyện, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Càng đi, được nghe các bà, các chị nói về nghề truyền thống, nhìn những khung cửi mốc meo đặt ở góc nhà... trong khi thời gian nông nhàn tương đối nhiều, chị em lại không có nhiều nguồn thu nhập, chị không khỏi chạnh lòng.

Chị nhớ, ánh mắt bà mế sáng lên, khi tự hào về tay nghề dệt chăn của mình thời xuân trẻ, như một tiêu chí đánh giá sự khéo léo, chỉn chu và đảm đang của phụ nữ một thời. Nhớ những gam màu rực rỡ trên nền tấm vải chàm, như ánh mặt trời soi rọi. Nhớ những thiếu nữ ngồi quanh quẩn cửa sổ, trên đầu vấn chiếc khăn chàm mà đôi tay thừa thãi... Thế là những lớp học nghề dệt, thêu thổ cẩm được khôi phục. Sau lớp học, chị lại đến từng thôn bản, cùng với các chi hội phụ nữ thành lập các tổ, nhóm phụ nữ cùng sở thích để nghề có đất sống. Những cửa hàng bán đồ lưu niệm thổ cẩm được xây dựng tại các làng du lịch phát triển trong huyện, rồi ngoài huyện. Chị cũng tranh thủ sức mạnh của Internet, đưa các sản phẩm được làm từ chính những đôi bàn tay thô ráp của những người phụ nữ quê vượt ra ngoài tỉnh, rồi ngoài nước...

Sản phẩm thổ cẩm ở quê chị giờ đã trở thành quà tặng du lịch không thể thiếu dành tặng khách phương xa. Những khung cửi dìu dặt, lách cách tối ngày, họa nên những bức tranh núi đồi, ruộng vườn, truyền thuyết quê hương... Đi giữa những sắc màu rực rỡ ấy, chị thầm cảm ơn nghề, cảm ơn những đôi bàn tay thô ráp mà khéo léo của những người phụ nữ quê mình, khi đã góp phần mình làm sứ giả du lịch, để quê hương vươn xa và rực rỡ.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục