Nhạc sỹ Phan Vũ Anh.
Nhạc sỹ Phan Vũ Anh tâm sự, trước kia có một thời anh đã từng làm giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Yên Nguyên, Trường Bồi dưỡng Giáo dục huyện Chiêm Hóa và nhiều trường khác trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Mỗi khi đến ngày 20-11 kỷ niệm cũ lại ùa về trong anh. Nào là nhớ về một thời tuổi trẻ sôi nổi của một giáo sinh mới đi thực tập, cả đoàn cùng hát bài Đoàn Giáo viên của nhạc sĩ Nam Vang - giảng viên âm nhạc Trường Sư phạm Hà Tuyên. Rồi chuyện đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Và cả chuyến đi thực tế được thăm lớp học do các thầy giáo là bộ đội biên phòng dạy. Rất nhiều kỷ niệm với nghề!
Chính cảm xúc và cơ duyên với nghề giáo đã giúp nhạc sỹ Phan Vũ Anh trăn trở nhiều đêm để viết ca khúc "Tự hào người giáo viên Việt Nam". Bài hát mang âm hưởng hành khúc, sôi nổi, tự hào, ngợi ca. Mở đầu là cuộc dấn thân của những sinh viên sư phạm ra trường, họ có thể đi bất kỳ đâu để mang cái chữ đến từng nhà: "Đi, đi ta đi, đi đến khắp mọi miền/Đi, đi ta đi dựng xây quê hương đất nước/Từ vùng xuôi, miền núi cao, hải đảo/Biên giới thiêng liêng in dấu chân chúng tôi/Đẹp biết bao người giáo viên nhân dân!".
Đoạn hai bài hát thể hiện lửa nghề: "Lửa nhiệt huyết trong tim và những chiến công thầm lặng/Ghi dấu khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu!/Ươm những mầm non, gieo tri thức cho đời/Người giáo viên nhân dân, người chiến sỹ văn hóa trên mặt trận trồng người/Mang tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh!/Khắc ghi trong lòng "Vì lợi ích trăm năm trồng người"/Tự hào chúng tôi người giáo viên Việt Nam!".
Phần ba cũng là đoạn kết của bài hát: "Sóng cả, gió to, khó khăn luôn vững tay chèo/ Bao chuyến đò thầm lặng chở những ước mơ xa/Tháng năm không quản nắng mưa sớm trưa đưa đò. Vì ngày mai một Việt Nam tươi sáng, sánh bước năm châu tới đài vinh quang/Có chúng tôi đồng hành cùng dân tộc/Tự hào chúng tôi người giáo viên Việt Nam/Tự hào chúng tôi người giáo viên Việt Nam".
Chỉ bằng ấy ngôn từ thôi, bài hát "Tự hào người giáo viên Việt Nam" vừa cụ thể vừa mang tính khái quát cao. Đầu tiên là những quyết tâm, nhiệt huyết, sau đó là những khó khăn, thử thách. Song dù trong hoàn cảnh nào phẩm chất người giáo viên luôn biết hy sinh cá nhân, vì học sinh thân yêu. Vì cộng đồng dân tộc, một Việt Nam tương lai tươi sáng.
Ca khúc giàu hình tượng, tính nhạc, ngôn ngữ giản dị, trong sáng. Nói về "đứa con tinh thần" của mình nhạc sỹ Phan Vũ Anh khẳng định anh viết ca khúc "Tự hào người giáo viên Việt Nam" bằng cả cảm xúc, tâm huyết và hiểu biết, sự trải nghiệm về nghề giáo của mình. Khi viết ca khúc, cảm xúc cứ tuôn trào theo từng nốt nhạc và ca từ. Do công việc và điều kiện nên cá nhân chưa thể tự thu âm, phát hành được.
Nhạc sỹ Phan Vũ Anh rất thích sáng tác các ca khúc về nghề giáo.
Nhạc sỹ rất mong qua cánh sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đài huyện, bài hát mới sẽ được nhiều người biết tới, nhất là ngành Giáo dục tỉnh nhà. Theo nhạc sỹ Phan Vũ Anh, đây không phải là bài hát sáng tác về người giáo viên đầu tiên của anh. Trước kia anh đã từng sáng tác các bài hát: Người thầy vùng cao, Niềm vui ngày khai trường, Cô giáo vùng cao, Cò con đi học, Bàn tay dâng mật ngọt cho đời, Người lái đò thầm lặng.
Nhạc sỹ Tân Điều, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, thời gian gần đây nhạc sỹ trẻ Phan Vũ Anh rất chăm chỉ sáng tác và chất lượng sáng tác ngày một đi lên, đây là một tín hiệu đáng mừng. Bài hát "Tự hào người giáo viên Việt Nam" ra đời trong không khí kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thật ý nghĩa. Đây là món quà tinh thần dành cho các thầy các cô - những người lái con đò tri thức thầm lặng và vinh quang vì sự nghiệp trăm năm trồng người.
Gửi phản hồi
In bài viết