Ấm áp vần thơ cựu giáo chức

- Năm tháng qua đi, lớp lớp các thế hệ học trò như đàn chim đã đủ lông, đủ cánh bay đi muôn phương, còn thầy cô, sau khi hoàn thành công việc "chở đò” đầy cao quý của mình, những vần thơ trữ tình lúc này mới có dịp ngân rung, tha thiết…

Cả đời miệt mài với nghề dạy học, sau khi nghỉ hưu, cô giáo Nguyễn Mai Phương, cựu giáo chức trường THPT Tân Trào cùng gia đình trở về sống tại Hà Nội. Thời gian này, cô có nhiều thời gian hơn để đi du lịch đến mọi miền Tổ quốc. Mỗi hành trình được ngắm giang sơn cẩm tú, là một lần cô thấy trái tim mình đập những nhịp đập rộn ràng, tươi mới, tràn đầy năng lượng hơn.

Trong một lần trở về giữa vòng tay bè bạn, về với xứ Tuyên tươi đẹp, nữ tác giả đã xúc động cảm tác: "Mình về với xứ Tuyên xưa/Tràng Đà xanh ngắt, ngẩn ngơ cõi lòng/Lô giang một dải biếc trong/Di Lăng hương ngát bên sông nồng nàn/Cổ thành trầm mặc nghiêm trang/ Thoảng nghe trong gió, bồ hòn lá reo/ Trời thu se lạnh, hanh hao/Mang bao nỗi nhớ chênh chao tháng ngày/Nhớ nhau, tụ họp về đây/Dặn nhau chỉ một câu này, nhớ nghe/Đông qua, xuân tới, hè về/Nhớ nhau thì lại tìm về với nhau…" (Mình về với xứ Tuyên xưa - thơ Nguyễn Mai Phương).

Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Bình và thầy trò Trường THCS Nông Tiến (thành phố Tuyên Quang).

Không chỉ những nữ tác giả của phân ban xã hội mới dạt dào các cung bậc cảm xúc dành cho thơ và những tình cảm nồng say với tình yêu cuộc sống, thầy giáo Lê Cảnh Thiện, người đã gắn trọn đời mình với bộ môn Toán tại trường THPT Tân Trào, ngày trở về thăm trường cũ, về với những năm tháng thanh xuân tươi đẹp, người thầy giáo già cũng không khỏi rưng rưng: "Ngày ấy trường đi sơ tán/Lớp học dưới tán rừng cây/Nuôi dưỡng bao tâm hồn trẻ/Niềm tin khát vọng dâng đầy...". 

Từ tấm lòng dành cho thơ mà tác giả bắt đầu có những tìm tòi, lắng lọc, để hồn thơ được trữ tình, rộng mở, bay bổng hơn: "Cuối năm về thăm quê mẹ/Thành Tuyên lãng đãng sương giăng/Mây trắng quàng khăn cho núi/ ông Lô sóng nước lăn tăn..."; "Cuối năm về thăm quê mẹ/Đi trong giá rét mùa đông/Vẫn thấy trong lòng ấm lạ/Trong tim rực ngọn lửa hồng" (Về thăm quê Mẹ - thơ Lê Cảnh Thiện).

Như một mạch nguồn tự nhiên, những vần thơ về nghề, về cuộc sống cứ tha thiết, dạt dào trên những trang viết của thầy giáo Lê Cảnh Thiện: "Nhớ sao những tối soạn bài/Dưới ngọn đèn dầu leo lét/Bên trang giáo án miệt mài/Quên đi cuộc đời khốn khó" (Mơ về Chiêm Hóa - thơ Lê Cảnh Thiện).

Nghề dạy học mở ra những cánh cửa tri thức, giúp hoàn thiện tâm hồn, trí tuệ, nhân cách của con người, đó là hiện thân của cái đẹp mà xã hội nào, thời đại nào cũng ước mong vươn tới. Những vần thơ về nghề giáo của thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Bình, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) luôn được nhiều người biết đến và yêu thích. Thơ ông trữ tình, dung dị, giàu cảm xúc: "Bàn tay thầy giáo chúng tôi/Tháng năm dày trang giáo án/Tháng năm ươm mầm cuộc sống/Mai thành rừng hoa cuộc đời" (Người trồng hoa cuộc đời - thơ Nguyễn Bình).

Mượn những vần thơ mộc mạc để bộc lộ, tỏ bày, để gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ, tác giả Nguyễn Bình viết: "Cánh én đưa tôi về miền nhớ/Xứ Tuyên ơi, sông Lô hát bốn mùa/Đất huyền thoại vơi đầy cổ tích/Thắm sắc đào, gọi nắng buông tơ…"; "Miền nhớ, miền thương nơi anh có em/Phồn hoa chẳng phôi phai phố núi/Giữa đô thành Sài Gòn vời vợi/Lại bâng khuâng về miền nhớ - xứ Tuyên" (Về miền nhớ - thơ Nguyễn Bình)

Có một nhà giáo cũng rất "say thơ”, đằm sâu một tình yêu với quê hương xứ sở, là cố tác giả Trần Xuân Việt. Tác giả đã đi xa, nhưng những vần thơ dung dị, mộc mạc của ông thì vẫn còn ở lại: "Nơi quê ta có dòng Lô rì rào sóng hát/Dòng sông quê hương nuôi bao sự sống/Như dòng thơ trôi nhẹ giữa trời Tuyên"… "Đêm trăng trên cầu với em gái rất duyên/Soi xuống dòng sông ngập tràn ánh điện/Dù đi đâu vẫn hẹn về kỷ niệm/Luôn có Tuyên Quang trong trái tim mình" (Hẹn em về Tuyên Quang - cố nhà thơ Trần Xuân Việt).

Ai đó từng nói rằng, có văn chương trong tâm hồn, con người ta sẽ bớt khô cằn. Nghỉ hưu, các thầy giáo, cô giáo, các cựu giáo chức thanh thản đón nhận những hạnh phúc rất riêng từ nghề dạy học. Với những vần thơ lung linh hương sắc mà dường như phải thật thanh thản, phải đằm sâu một tình yêu với quê hương xứ sở mới có được cái nhìn đẹp đẽ, hữu tình như thế. Những vần thơ đủ để người đọc cảm nhận được những tâm tình sâu nặng của những nhà thơ, nhà giáo gắn bó với cuộc đời.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục