Nguồn cảm hứng bình yên
Không như các nhà thơ tung tảy chữ nghĩa lên cánh đồng rực rỡ ngôn từ khi còn trẻ, Nguyễn Đức Sơn thai nghén những con chữ khi còn sinh viên và cả chuỗi thời gian dài lặn lội “lên rừng xuống biển” với nghề báo, đến tận tuổi năm mươi, ông mới thận trọng xuất bản tập thơ đầu tiên gửi đến độc giả. Thơ ông mang một hơi thở mới với cách nhìn mới khác lạ, khác biệt.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Ngay từ hồi còn trai trẻ, thơ Đức Sơn đã có mặt trên các tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương. Vừa viết báo vừa làm thơ, ở lĩnh vực nào Đức Sơn cũng căng đầy nhiệt huyết say sưa cống hiến.
Ông từng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại tỉnh Hà Tuyên. Tuyên Quang từng là mảnh đất ông gắn bó những năm tháng cuộc đời. Nơi đó có công việc ông yêu thích và một gia đình nhỏ yên vui.
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.
Ông từng tâm sự rằng: “Quê hương Tuyên Quang là mảnh đất bình yên, che chở cho gia đình tôi những năm tháng tuổi trẻ. Ở đó giúp tôi thỏa chí tang bồng, tôi đi nhiều viết nhiều, đến khắp các bản làng, gặp gỡ bà con người Tày, người Dao, người Mông… Sự thân thiện, chất phác thật thà của họ mang đến cho tôi sự ấm áp của người con xa quê. Tôi đi nhiều, viết nhiều và sẵn sàng dấn thân cống hiến hết mình với nghề và với mảnh đất này”.
Năm tháng ở xứ Tuyên, ông biết ơn người vợ hiền tảo tần chăm chồng chăm con: “Anh đi xa/Em nuôi con mòn mắt/Giặt áo cho chồng làm sao cho sạch/ Bụi bám núi đồi, viên sỏi từ công sự biên ải, anh để quên trong túi áo/Kỷ vật cho em/Như neo mảng bè neo/Cớ sao lòng em dâng đầy/Cớ sao lòng em tuôn chảy/…Cơn khát anh, mùa hanh hao và rừng tràm hoa vàng rực nở” (Giặt áo cho chồng bên sông Lô).
Những bài thơ: Về đây với rừng, Cơn mưa rừng… là xúc cảm gợi từ quãng thời gian sinh sống, công tác ở Tuyên Quang. Ông thừa nhận rằng, dù xa Tuyên mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai được nỗi nhớ. Miền ký ức êm đềm và dịu dàng ấy theo ông vào trang thơ. Chính vì thế mỗi lần được trò chuyện hay gặp gỡ người Tuyên ông nhiệt thành, cởi mở như một cách để miền nhớ ấy được chảy về trong tâm tưởng.
Bài thơ Mưa về Sông Lô được sáng tác năm 2014 là cơn mưa kỷ niệm, cơn mưa tình yêu của tác giả dành cho mảnh đất lắm nghĩa tình này. Những hình ảnh: Dòng Lô cuồn cuộn, bầu trời rừng cọ… hiện hữu trong tâm tưởng tác giả để rồi xuất hiện câu thơ nhẹ bẫng: “Sông mưa, bóng ngày thôi thúc/Chảy hứng dòng thấm tháp/Chảy nối dài theo sông”. Cái tài tình của người thi sỹ là mượn cảnh để tả tình, mượn cảnh để nói lên nỗi niềm chất chứa: Nhớ Tuyên lắm, hẹn Tuyên ngày trở lại nhé! Lời ước hẹn được thốt lên như sự dồn nén: “Bóng núi ơi! ngày ta về”.
Thế mới biết cảnh sắc và con người Tuyên Quang dịu dàng mến khách đến nhường nào. Bởi dẫu người thi sỹ ấy đã xa Tuyên từ lâu, sống cách Tuyên nghìn cây số nhưng chưa bao giờ nguôi ngoai được nỗi nhớ, niềm thương!
Một giọng huyền ảo đa thanh
Nhiều độc giả nhận xét thơ Đức Sơn không hoa mỹ, từng câu từng chữ không hướng đến sự nhịp nhàng của âm điệu mà hướng tới những ấn tượng của trực giác hình ảnh. Tác phẩm của ông in hằn dấu vết của những bước chân dò tìm của một cây viết cần cù, chắt chiu mọi thanh âm, hơi thở nhịp đời: “Tiếng anh gõ vào nhịp/Nỗi buồn tìm em/Như phím trầm gieo vào/Đồi bát úp/Lưng chừng sương giăng rừng cọ/Roi rói rót đầy ly/Theo nhịp vô cùng/Tiếng buồn theo em… (Phím trầm).
Như người lữ hành đa cảm, đa tình, mỗi vùng đất ông đặt chân qua đều gợi xúc cảm. Dù ở Huế, Phong Nha hay Hà Nội, Tuyên Quang... Đức Sơn mang nhiều hình ảnh sống động, thân thương theo hành trang thi ca đời mình.
Những ấn phẩm thơ của Nguyễn Đức Sơn.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Nguyên An từng nói: “Tôi bất ngờ và ngạc nhiên, bởi thơ Đức Sơn không chỉ ngấm chất ca dao đằm thắm mà còn “sướng” bởi những câu thơ kỳ lạ, bổng bay ra ngoài chuẩn mực thường tình của ngôn ngữ, tạo một giọng huyền ảo đa thanh, đậm mùi “bất khả tư nghị” như một hành giả trong quá trình khai mở công án, bỗng hoát nhiên đốn ngộ nửa sát na xuất thần”.
Ta hãy lắng lòng mình lại để bước chậm vào thế giới thi ca đầy ám ảnh của Đức Sơn: “Tôi níu lời thả neo cồn bãi/Níu lúm đồng tiền em bện vào tôi/Níu nắm cơm! Bậu ơi qua thời lửa đạn/Xưa gánh gồng mẹ níu chợ nghèo/Níu quai chèo vượt tôi ghềnh lũ/Câu hò đưa con sóng níu xuôi bè...” (Níu).
Hay phiêu diêu trong thế giới đức tin tình yêu tươi đẹp của lứa đôi. Đức Sơn viết thơ tình cũng gợi cho người đọc khoảng lặng để những suy tư và cảm thức: “Con ong lụy hương cần mẫn/Con người lụy thế gian nghĩa tình/Rồi em ơi! lụy hơn thế nữa/với Xuân về, anh lụy đức tin” (lụy mùa Xuân).
Nhà phê bình Nguyễn Nguyên An một lần nữa phải thốt lên rằng: “Những câu thơ trên đọc lên thật đã! Như khi ta ăn một miếng ớt cay xè trong tô cơm Hến, Huế phải hít hà rưng nước mắt, mà thích! Được vậy là hay!”.
Nguyễn Đức Sơn hiện đã xuất bản 2 tập thơ: Dấu hạ, Lưu bản của gió và người đàn bà ngồi thiền. Độc giả luôn yêu mến thơ của ông bởi thơ luôn có lối nhả chữ rất bất ngờ, gần như không lường trước được. Những lúc như vậy, chữ của ông dường như cựa quậy, nhảy nhót. Nhiều người lại bảo nhà thơ chơi chữ, xiếc chữ thế nhưng đó là sự “thấm chữ” của một con người giàu sự suy tư, chiêm nghiệm: “Anh mái lá nhẹ như thân gió/Đêm mưa nghe choãi lời uốn lượn/Chỉ dòng chảy tinh khôi mưa nguồn ửa trắng/Như qua bờ hình hài sỏi đá thơm hương, anh đến” (Rừng đêm mưa).
Dẫu xa Tuyên đã lâu thế nhưng Đức Sơn vẫn luôn tìm cách kết nối với mảnh đất nghĩa tình này. Ông viết thơ, gửi đăng báo, chuyện trò trao đổi với bạn văn xứ Tuyên. Và vào những buổi chiều đứng bên dòng Hương Giang, người đàn ông với chất giọng Huế đặc trưng ấy vẫn để tâm hồn mình ngược ra miền Bắc về với con người, cảnh đẹp miền núi phía Bắc qua tiếng lòng của thi ca. Đối với Đức Sơn đó lời tri âm, cảm tác chân thành dành bạn bè và những người yêu thơ.
Gửi phản hồi
In bài viết