Đinh Minh Sơn và đam mê viết về cuộc sống

- Nhà văn Đinh Minh Sơn, sinh năm 1961 có nhiều năm làm Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 11 (nay sáp nhập thành tổ 5), phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Có bề dày kinh nghiệm trong công tác Đảng, công tác chính quyền, nên những bài viết của ông mang đậm hơi thở thực tiễn cuộc sống. Các tác phẩm đầu tay ông đều mang bản thảo đến nhà văn Đinh Công Diệp ở cùng tổ dân phố nhờ xem, góp ý và thường bị lôi cuốn vào những câu chuyện của ngôn từ.

Nhà văn Đinh Minh Sơn.

Nhà văn Đinh Minh Sơn tâm sự, ông quê gốc Hà Nội. Năm 1965 bố mẹ ông được tổ chức điều động lên Tuyên Quang tham gia ngành Y tế tỉnh. Cả gia đình, bố mẹ, hai chị và một em gái đều theo nghề y. Nhưng ông Đinh Minh Sơn lại thích đọc “Thép đã tôi thế đấy”, “Nhãn đầu mùa”, “Mẫn và tôi”, tham gia tích cực phong trào làm báo tường ở lớp. Học xong cấp 3 Tân Trào, ông vào học Trường Công nhân kỹ thuật Việt Nam - Hungari tại Sơn Tây, rồi có hơn 22 năm công tác tại Xí nghiệp Cơ khí cấp 3 Tuyên Quang,  Công ty Cơ khí Nông nghiệp 7 Tuyên Quang (X300), phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang). Trong giai đoạn cuối của nghề cơ khí, ít việc ông đã tranh thủ bỏ ra 3 năm đi học thêm nghề châm cứu, vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học Dân tộc Hà Nội, có thêm nghề theo truyền thống gia đình.

Về hưu ông Đinh Minh Sơn được bầu là Chủ tịch Hội Đông y, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Phan Thiết, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ phường Phan Thiết 3 khóa; bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố nhiều năm liền. Quá trình công tác đã cho ông nhiều vốn sống để rồi một ngày thôi thúc cây bút Đinh Minh Sơn bùng nổ.

Lúc đầu ông tập trung làm thơ. Đến nay, ông có cả thảy hơn 200 tác phẩm. Tiêu biểu như bài “Hát về thành phố hôm nay” được nhạc sỹ Vương Vình phổ nhạc, bài “Về bản em” do nhạc sỹ Phan Vũ Anh phổ nhạc. Rồi bài Đi tìm tháng 6, Em và mùa xuân ông khá tâm đắc. Ông còn thích làm thơ cho trẻ thơ, trong đó có bài Vườn cảnh, giành giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác thơ cho thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2018. Bài thơ có đoạn “Khoảng rừng xanh bao la/Ông trồng ở vườn nhà/Nay xum xuê anh khế/Bốn mùa quả la đà/Ông si già sung sức/Uốn mình qua hòn non/Chị sung cõng đàn con/Lom khom soi đáy nước”.

Các giải thưởng của nhà văn.

Năm 2017, ông Đinh Minh Sơn chính thức trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ông tích cực giao lưu bạn văn, tham gia nhiều trại sáng tác. Nhà văn viết khá đều tay ở mảng thơ, bút ký và truyện ngắn. Riêng lĩnh vực dài hơi tiểu thuyết ông chưa thử sức. Ở thể loại bút ký, ông được Hội Văn học nghệ thuật trao giải Ba cuộc thi bút ký với chủ đề về “Đất và người Tuyên Quang trong công cuộc đổi mới” năm 2020 với tác phẩm “Dòng nước mắt”. Rồi mới đây ông được giải C với tác phẩm Người phụ nữ nhân hậu tại Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giai đoạn 2021 - 2023. Bút ký đề cập đến một người phụ nữ tên là Lưu Thị Hoài Thu, thôn 8, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đã 39 lần hiến máu nhân đạo và đăng ký hiến xác cho y học tại Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội. Cùng làm trong Hội Chữ thập đỏ, ông Đinh Minh Sơn đã phát hiện ra đề tài khá hay và quyết tâm tìm gặp người phụ nữ này để lan tỏa cái đẹp ra cộng đồng.

Thế mạnh của nhà văn Đinh Minh Sơn vẫn là truyện ngắn. Từ năm 2022 - 2023 ông đã sáng tác được 15 truyện ngắn như: Bến đỗ bình yên, Phố trong làng, Trưởng thôn, Một thời trẻ trâu, Truyện tình trên núi thủng, Đội tình nguyện viên thiếu nhi. Tại Cuộc thi truyện ngắn do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2022, hai tác phẩm Bên đỗ bình yên, Phố trong làng của nhà văn Đinh Minh Sơn giành giải khuyến khích. Vào nghề văn hơi muộn, nhưng đến nay ở thể loại nào ông cũng có chút giải, thể hiện năng lực, bút pháp, tâm huyết của mình. Mở đầu tác phẩm Phố trong làng, tác giả viết “Cái làng Bung ấy nằm tít trong rừng sâu, sâu đến nỗi muốn ra chợ huyện bán con gà, con lợn hoặc mua cái kim sợi chỉ, tương cà mắm muối, cũng phải đi bộ vượt đèo dốc cũng gần 2 tiếng cũng chẳng chơi. Ấy thế mà khi nhà nước mở một con đường nhựa chạy vào sát chân núi, để các nơi vào mua gỗ rừng trồng cho bà con, thì tự nhiên làng Bung trở thành phố”.

Quan điểm văn chương của nhà văn là súc tích, đời thường, phản ánh đúng hiện thực xã hội. Ông ít tô hồng hay bôi đen tác phẩm. Cốt truyện, hình tượng nhân vật ông đều “bê” ngoài đời thực vào tác phẩm. Vốn sống phong phú, nhiều trải nghiệm càng làm cho chi tiết trong các tác phẩm của ông sâu sắc, chuyển tải một thông điệp rõ ràng. Giờ trăn trở nhất với nhà văn Đinh Minh Sơn là sớm in được tập thơ và truyện ngắn đầu tay cho riêng mình. Còn sáng tác ông đang ấp ủ nhiều dự định.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục