Người về xóm nhỏ

- Chiếc xe Vios màu vàng cát bon nhanh trên mặt đường nhựa rồi dừng lại trên lối rẽ xuống con đường nhỏ đâm ra giữa cánh đồng lúa.

Từ trên xe, một người đàn ông chừng bốn mươi lăm tuổi bước xuống. Dáng người bệ vệ cùng cách ăn mặc cho thấy đây là một người sang trọng, nhưng vẫn không giấu được vẻ lam lũ của một người tham công tiếc việc. Anh đưa mắt nhìn xuống con đường độc đạo dẫn lối vào xóm nhỏ, nơi lúp xúp mấy ngôi nhà lợp ngói, trơ trọi giữa cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. "Đường nhỏ quá, rộng tầm hai mét chứ mấy. Lại còn lầy lội quá! Hình như là bờ ruộng thì đúng hơn! Thế này thì xe mình vào làm sao được!". Anh đang loay hoay thì chợt thấy một người đàn bà đứng tuổi đi thăm lúa, tiến dần lại gần.

Minh họa: Bích Ngọc

- Bác ơi! Cho em hỏi đường này ô tô có vào được không vậy?
- Khó đấy, chú ạ! Đường này nhỏ, nhiều ổ trâu ổ gà. Suốt cả tuần nay, mưa dầm dề chẳng mấy khi ngớt, người đi lại khiến đất nhão thành bùn hết cả!

"Hay là để xe ở đây, đi bộ vậy?! Nhưng đường trơn thế này, dễ "vồ ếch" như chơi! Lại còn hai thùng hàng đồ gia dụng và bánh kẹo, mình mang xuống cho gia đình cô ấy nữa. Biết làm thế nào được nhỉ?"...

 ***

Người đàn ông ấy là Huy - chủ một doanh nghiệp dịch vụ nhà hàng trên phố. Hồi trẻ, anh học nghề nấu ăn ở trường Trung cấp Du lịch. Rồi ra trường, đi làm đầu bếp cho một vài khách sạn ở trên phố. Vất vả một chút nhưng lương khá ổn định. Cuộc sống tưởng thế là yên. Nhưng tuổi trẻ mà, ai cũng thích khám phá, thích phiêu lưu, thích thử nghiệm bản thân mình. Và theo lời rủ rê của một số bạn bè, Huy bỏ việc dù đã tích lũy được kinh nghiệm, tay nghề đã được nâng cao.

Thời điểm ấy, các thiết bị văn phòng như máy vi tính, máy photocopy, máy in, máy fax... bắt đầu được sử dụng phổ biến trong các cơ quan hành chính sự nghiệp ở các vùng nông thôn. Do vậy, nhu cầu trang bị và sửa chữa ngày một tăng cao, đặc biệt là vào dịp đầu năm học. Huy cùng hai người bạn hùn vốn kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực này. Tiền tích góp và mượn của anh em nội ngoại ở quê vẫn không đủ, anh vay thêm ngân hàng. Nhân sự thì tuyển gọi bạn bè, rồi họ hàng, người quen biết. Ban đầu, công việc tiến triển khá tốt. Nhưng rồi "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Công ty của anh rất chật vật trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp khác - họ có vốn dài hơn, tiếp thị tốt hơn nên chiếm được thị phần lớn. Tiền lương trả cho nhân công, tiền thuê mặt bằng, tiền trả lãi ngân hàng... tháng nào cũng cao hơn tiền thu về từ kinh doanh. Chưa được hai năm, công ty tuyên bố phá sản. Ba người chia nhau cục nợ rồi đường ai nấy đi!...

Huy cho vợ con về quê với ông bà ngoại, còn mình thì dạt vào Nam vì lời của người anh em họ "Chạy hàng cũng được lắm! Anh vào đi!". Hàng ngày, anh dùng xe máy chở xăng dầu sang bên kia biên giới, rồi đưa thuốc lá từ bên ấy về, ăn chênh lệch giá. Luồn lách, chui lủi mà nào có yên. Lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế và bộ đội biên phòng tuần tra suốt. Một đêm muộn, Huy chuyển hàng vừa về đến giữa cây cầu ranh giới hai nước, thì bất ngờ xuất hiện lực lượng chức năng đón lõng. Anh vội vứt tất cả lại, nhảy xuống dòng kênh, lợi dụng đêm tối mà thoát thân. Mệt mỏi vì lúc nào cũng như bị truy đuổi, anh bỏ về Bắc.

Như đã ngấm chuyện viển vông, hão huyền, Huy muốn quay lại nghề đầu bếp. Bỏ mấy ngày khảo sát phố phường, vợ chồng anh quyết định mở quán ăn bình dân. Người ta đã mở quán chó, quán mèo, quán dê, quán trâu giật thì anh mở quán cá đồng. Từ vay tiền, chọn địa điểm, chế biến, chạy bàn... vợ chồng anh sắp xếp mà tự làm. Khách dần quen mối, quán nhỏ dần mở rộng thêm, phải thuê thêm mấy người phụ giúp. Rồi thực đơn nhà hàng cũng dần phong phú thêm: các món cá nướng, cá hấp, cá chiên, cá sốt, cá kho, cháo cá, gỏi cá, lẩu cá, canh cá, bún cá... Về sau, anh bổ sung thêm các món tôm. Sau sáu năm chí thú làm ăn, anh đã trả xong nợ và bắt đầu mở rộng địa bàn sang các tỉnh bên cạnh, rồi trở nên giàu có.

Khi cuộc sống ổn định và khá giả hơn, vợ chồng Huy mới nghĩ đến việc sinh đứa con thứ hai, khi thằng con đầu đã vào đại học. Do sinh ở tuổi không còn trẻ nên không may, vợ anh bị băng huyết. Nhớ cái đêm hôm ấy, anh vừa ôm đứa con mới lọt lòng, vừa thất thần chạy tới chạy lui hành lang bệnh viện, mong tìm được người cùng nhóm máu AB, bởi nguồn dự trữ nhóm máu này của bệnh viện không đủ. Một người đàn bà lực điền ở dưới quê lên chăm con gái mới sinh, đã cứu vợ anh. Từ giây phút ấy, Huy càng hiểu thêm rằng, sự lắm tiền nhiều của không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này. Hay nói cách khác, tiền bạc vẫn rất quan trọng nhưng đấy là khi nó được dùng vào những việc có ý nghĩa. Bởi vậy, sau khi sắp xếp công việc, anh quyết tâm thực hiện chuyến đi đáp nghĩa này...

***

- Này anh kia! Dừng xe lại ngay! Anh phá đường ra đấy à? Đường thì nhỏ, nền thì nhão mà cái xe nặng thế này. Đất bị lở đất chỗ nào là chúng tôi bắt đền anh đấy!

Phải mất chừng hai mươi phút, xe mới bò được đoạn đường khoảng năm trăm mét, từ đường nhựa đến khi đụng phải tiếng quát vừa rồi. Không biết người đàn ông kia nói thật hay là đùa nhưng Huy nghĩ, sao ở thời đại này mà vẫn còn con đường xấu như thế này!

-  Bác ạ! Em từ xa về, muốn tìm thăm một người quen...

Rồi anh kể về ân nhân của mình, về cái đêm tình nghĩa ở bệnh viện ấy. Người đàn ông đứng lặng nghe, cứ "à, ừ" và gật đầu liên tục:

- Vậy thì nhà cô ấy ngay đây thôi! Mà hình như cô ấy đang ra kia kìa!

Do có hẹn qua điện thoại từ trước, vợ chồng chị Lành - ân nhân của Huy, đã sắp xếp đón anh từ sớm. Chuyến thăm này của Huy như là lời cảm ơn của vợ chồng anh đối với chị Lành. Ngoài ra, anh còn một việc nữa, đó là tìm nguồn cung cấp cá tôm ổn định và đảm bảo chất lượng, phục vụ cho hệ thống nhà hàng của anh.

Theo lời giới thiệu của mọi người thì xóm nhỏ chưa đến chục nóc nhà này được quen gọi là "xóm tạm trú”. Khu vực này trước đây là vùng trũng của cánh đồng, nước ngập quanh năm, chỉ có lăn lác, rêu rong. Các gia đình từ tứ xứ, tự phát về đây, cắm sào dựng lều, rồi dần dần vượt được ít đất làm cái nhà tạm. Trong bản đồ quy hoạch đất đai của địa phương thì khu vực này vẫn là đất trồng lúa lâu năm, chứ không phải là khu dân cư và con đường dẫn vào đây, vẫn chỉ được coi là bờ ruộng. Vì vậy, trong khi xóm trên làng dưới đã xây dựng nông thôn mới từ mấy năm nay nhưng "xóm tạm trú” này vẫn thế. Xóm như cái ốc đảo giữa cánh đồng.

Từ ngày về đây, cuộc sống các gia đình đều gắn với bùn nước. Nói chung là tự cung tự cấp nên vẫn chưa thoát được cái nghèo. Ao đầm thì nuôi thả tự nhiên. Bắt được con tôm con cá nào thì đem lên chợ bán, chắt bóp lắm cũng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Cái khó nó bó cái khôn. Nhiều năm rồi mà cuộc sống của người dân "xóm tạm trú” vẫn trong cảnh "ao đọng nước tù”, chẳng có gì chuyển biến cả...  

Buổi trưa, nằm trên chiếc võng dưới tán cây mít bên nhà, Huy không sao ngủ được. Chợt anh nhổm dậy, vào đánh thức vợ chồng chị Lành:

- Tôi về thăm gia đình anh chị. Được thấy và nghe, tôi muốn có ý kiến với mọi người, quan trọng lắm! Vậy nhờ anh chị đi mời mọi người đến đây để tiện trao đổi!

Khi "xóm tạm trú” đã đông đủ, Huy đứng lên trình bày dự định của mình:

- Thưa bà con xóm ta! Hôm nay, tôi về đây. Trước là cảm ơn chị Lành - ân nhân của gia đình chúng tôi. Thứ nữa là có câu chuyện muốn thưa với bà con!...

Ngừng một lát, anh nói tiếp:

- Tôi có hệ thống nhà hàng chuyên các món ăn từ cá, tôm. Hàng ngày, cần một lượng nguyên liệu khá lớn để hoạt động. Và nếu như có được một nguồn cung cấp cá tôm thường xuyên thì rất tốt. Nếu bà con đồng ý, chúng tôi sẽ đầu tư, cải tạo ao đầm, con giống, kỹ thuật, thức ăn... để bà con phát triển kinh tế. Tiền đầu tư ban đầu này, sẽ được trừ dần. Khi có sản phẩm, chúng tôi sẽ đưa xe về mua với giá thị trường. Xin được lắng nghe ý kiến của bà con ạ!

Mọi người xôn xao "Được vậy thì tốt quá”, "Mừng lắm! Chúng ta sắp khá rồi!", "Cứ để xem thế nào đã! Nói thì hay nhưng biết có thực hiện được không?!"... Sau một hồi nghe mọi người bàn tán, anh Thành - chồng chị Lành, phát biểu:

- Thưa anh Huy! Nghe anh nói, bà con chúng tôi rất vui mừng. Anh có ý tốt như thế thì chúng tôi sẵn lòng ủng hộ. Mong rằng dự định của chúng ta sẽ sớm thành hiện thực và kết quả tốt đẹp!...

Ba ngày sau, Huy dẫn theo kỹ sư nuôi trồng thủy sản xuống để khảo sát diện tích mặt nước, đo nồng độ pH... Anh cũng hoàn tất các thủ tục xin phép chính quyền địa phương được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khu vực "xóm tạm trú” để phục vụ sản xuất. Sau khi ký hợp đồng dài hạn với các hộ gia đình, Huy cho chuyên gia hướng dẫn bà con quy hoạch lại ao đầm, tát cạn nước, thau chua rửa mặn rồi phơi ao...

Rồi một con đường bê tông rộng hai mét, thẳng tắp, phẳng lỳ từ ngoài đường nhựa chạy vào đến từng nhà. Con đường nối từ ước mơ đến hiện thực, từ hiện thực đến tương lai của "xóm tạm trú” này. Dự án nuôi trồng thủy sản theo phương pháp áp dụng khoa học kỹ thuật được lần lượt triển khai. Các nhà hàng của Huy được đảm bảo lúc nào cũng đủ nguồn cung, gồm cá trắm, cá trê, cá chuối, cá diêu hồng, tôm thẻ chân trắng...

Rồi cuộc sống của bà con sẽ được nâng cao lên cùng với sự phát triển bền vững trong kinh doanh của vợ chồng Huy. Xóm nhỏ này không còn là "vùng trũng", không còn là "ốc đảo" nữa. Huy thường xuyên về thăm xóm bởi anh coi đây như nhà của mình, bởi tình cảm, tấm lòng của anh đã "thường trú” trong tâm trí của những người dân xóm nhỏ này... 

Truyện ngắn: Trần Văn Lợi

Tin cùng chuyên mục