Ảnh hưởng đến người trẻ
Trong thời hiện đại, thuật ngữ “Idol” thường được sử dụng để chỉ các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, vũ công, streamer và những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc, thuật ngữ “Idol” được sử dụng để chỉ nhóm nhạc được đầu tư vô cùng kỹ lưỡng về cả hình ảnh và âm nhạc, nhằm tạo ra sức hút đặc biệt đến đông đảo fan hâm mộ.
Sức ảnh hưởng của Idol đến đời sống của người hâm mộ rất lớn. Các Idol không chỉ là người biểu diễn mà còn là tấm gương, là người đại diện cho các giá trị và quan điểm của đông đảo người hâm mộ. Các Idol thường được xem là người mẫu mực về cách ăn mặc, cách hành xử, cách giao tiếp và cách sống, trở thành những người có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các xu hướng thời trang, phong cách sống và cách suy nghĩ của giới trẻ.
Ngoài ra, các Idol cũng có sức ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp giải trí và kinh tế của một quốc gia. Các công ty quản lý nghệ sĩ đã đầu tư rất nhiều vào việc tạo ra các nhóm nhạc Idol và khai thác tối đa tầm ảnh hưởng của các Idol, qua đó mang lại lợi nhuận kếch xù cho công ty và cho đất nước.
Nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink biểu diễn ở sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội.
Với tình yêu và sự tôn sùng đối với thần tượng của mình, những người “Đu Idol” sẽ theo dõi tất cả các hoạt động của nghệ sĩ đó một cách chăm chỉ và cuồng nhiệt. Để thể hiện tình cảm của mình, họ sẽ mua các sản phẩm âm nhạc, merchandise và tham gia các chương trình mà thần tượng của mình tham gia.
Ngoài việc tham gia các hoạt động chính thức của thần tượng, người “Đu Idol” còn tự lập ra các fanpage hoặc group để quảng bá hình ảnh của thần tượng đến cộng đồng mạng. Họ kêu gọi cho việc bình chọn cho thần tượng trong các cuộc thi, giúp tăng lượt xem cho các video âm nhạc, hỗ trợ việc tổ chức các sự kiện quảng bá cho thần tượng.
Một trong những đặc điểm nổi bật của người “Đu Idol” chính là tình cảm và lòng trung thành với thần tượng của mình. Họ sẽ không ngần ngại dành nhiều thời gian và công sức để quan tâm và theo dõi mọi hoạt động của thần tượng, dù là trong thời gian họ đang bận rộn với công việc hay học tập. Đu idol cũng thường kết nối với những người hâm mộ khác, tạo ra cộng đồng với những sở thích chung và sự đam mê với cùng một thần tượng.
Tuy nhiên, Đu Idol cũng có những rủi ro, đặc biệt là những tình huống bị lạm dụng thông tin cá nhân hoặc tấn công trực tuyến từ những người không tốt. Vì vậy, người hâm mộ cần phải cẩn trọng và tôn trọng giới hạn riêng tư của thần tượng, đồng thời tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
“Đu Idol” nhìn từ các đêm diễn ca nhạc gần đây
Những ngày gần đây, giới trẻ Việt Nam xôn xao khi nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink đã tới Việt Nam biểu diễn 2 tối 29 và 30-7 tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Theo đó, cơn sốt săn vé BlackPink nổ ra trên khắp mạng xã hội, với những chiếc vé lên tới chục triệu đồng. Từ cơn sốt săn vé này, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xảy ra, tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Không ít người lên tiếng chỉ trích hành vi “Đu Idol của giới trẻ cho rằng đây là những hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ, tác động xấu cho xã hội…
Thực tế, thần tượng (Idol) là một phần không thể thiếu trong văn hóa âm nhạc đại chúng. Họ là những ngôi sao ca nhạc được dựng lên để thu hút đám đông, quy tụ khán giả và người hâm mộ, từ đó tạo nên những trào lưu trong văn hóa đại chúng, ảnh hưởng tới lối sống, đời sống tinh thần của thế hệ. Vì vậy, việc Idol có nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt, buồn vui theo mình là chuyện hết sức bình thường, diễn ra ở mọi đất nước, mọi nền văn hóa.
Các khán giả trẻ của Việt Nam cuồng nhiệt thần tượng không kém các nước trên thế giới.
Ngay từ cách đây nửa thế kỷ, khi ông hoàng nhạc rock’n roll Elvis Presley hay nhóm The Beatles nổi danh, họ đã có rất nhiều fan hâm mộ cuồng nhiệt, sẵn sàng đi theo họ mọi lúc mọi nơi, có mặt ở mọi buổi trình diễn.
Trong những đêm nhạc của nhóm The Beatles được ghi hình lại, có thể thấy không thiếu fan ngồi dưới khóc lóc, quay cuồng, reo hò. Và cũng nhờ đó, nhóm The Beatles đã phổ biến được văn hóa hiện sinh tới đại chúng, để ghi vào lịch sử như một trào lưu văn hóa, nghệ thuật... John Lennon thậm chí đã bị một fan cuồng sát hại.
Sau này, ông hoàng nhạc pop Michael Jackson trở thành Idol có nhiều fan cuồng nhiệt bậc nhất. Mỗi liveshow của Michael Jackson không dưới vài chục ngàn khán giả tới xem và rất nhiều người đã khóc lóc, ngất xỉu, giãy giụa khi được nhìn thấy thần tượng trên sân khấu. Khi Michael Jackson qua đời, có fan thậm chí còn tự sát theo.
Tại Việt Nam, dù ít dù nhiều đã tồn tại mối quan hệ giữa thần tượng âm nhạc và fan từ rất lâu. Bạn Hồng Hải, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, khi là sinh viên bạn rất thần tượng diễn viên Lê Công Tuấn Anh. Nhưng khi Lê Công Tuấn Anh tự tử, bản thân Hồng Hải rơi vào “sốc” một thời gian dài.
Còn bạn trẻ Lê Công ở xã Xuân Vân (Yên Sơn) thì cho rằng em rất hâm mộ ban nhạc Hàn Quốc BlackPink, nếu có tiền thì dù 10 triệu 1 vé em cũng cố đi xem thần tượng của mình một lần trong đời. Nhất là ban nhạc đó có chuyến lưu diễn đến Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, việc hâm mộ thần tượng cuồng nhiệt là điều bình thường và diễn ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời đại, quốc gia, chứ không riêng gì giới trẻ ngày nay. Đối với khán giả đại chúng, thần tượng là hiện thân của những giấc mơ, ước mơ về ánh hào quang xa hoa, lấp lánh như vì sao trên trời, cái mà họ khó có thể vươn tới hay chạm vào được. Vì vậy, tâm lý hâm mộ thần tượng cuồng nhiệt và khát khao được nhìn thấy thần tượng ở ngoài, được xem tận mắt một đêm nhạc của thần tượng là điều dễ hiểu.
Đối với người trẻ, việc chọn ai đó làm thần tượng rất quan trọng. Bởi, nếu thần tượng ấy có giá trị sống tốt, có hình ảnh đẹp lan tỏa, có ảnh hưởng tích cực trong xã hội thì bạn trẻ cũng học được những điều tích cực, có động lực để trở nên hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ chọn thần tượng theo số đông, theo phong trào, theo cảm xúc nhất thời mà không có sự phân biệt, tỉnh táo của lý trí, rất có thể bạn trẻ phải trả giá đắt khi chạy theo, bắt chước những hành động tiêu cực của người mà mình hâm mộ.
Gửi phản hồi
In bài viết