Mầm xanh

Trước lúc nhắm mắt, mẹ có dặn tôi rằng:

- Khu rừng ở sườn núi là khu rừng thiêng, mỗi tấc đất, ngọn cây quý hơn vàng hơn bạc. Mẹ tự tay trồng từng cái cây trên sườn núi đó để giữ đất, bao năm rồi đất vẫn chưa một lần sạt lở. Mai này con nhất định phải giữ rừng, không để rừng bị đốn hạ, nghe con!Tôi gật đầu lia lịa, mắt đẫm nước.

Rồi mẹ ra đi.

Tôi đưa mẹ lên yên nghỉ nơi bìa rừng thiêng. Góc đó thanh tĩnh. Chiều dần buông. Tôi đứng nhìn cánh rừng im lìm trong buổi chiều có vài tia nắng còn sót lại từ vầng mặt trời sắp lặn rọi qua kẽ lá. Một khoảnh khắc huy hoàng chen lẫn trong tôi, xâm lấn nỗi buồn đau mất mát mà tôi đang mang gánh. Tôi nhìn thấy cánh rừng hùng vĩ trên triền dốc, chạy dài đến cuối chân núi xa tắp. Cây rừng vươn lên hùng dũng như những thân hình lực lưỡng, dang tay bảo vệ ngọn núi và những xóm làng xa xôi lánh mình trong hẻm núi sâu hun hút. Từ trên ngọn núi này, những nếp văn hóa đẹp đã được hình thành, con người đã trồng thêm cây rừng để giữ mãi thảm xanh.

Tôi không còn nhớ quá nhiều những ký ức cũ, bởi ngày ấy tôi bé nhỏ và vô tư nên chỉ mải rong ruổi theo sau lưng mẹ lên rừng, chạy nhảy dưới bóng mát của cây xanh rồi trèo lên mỏm đá cao để nhìn xuống chân núi. Trong tầm mắt tôi là màu xanh bất tận. Tôi hay gọi rừng là người mẹ thứ hai của tôi: Mẹ Thiên Nhiên. Mẹ tôi sinh đẻ, nuôi nấng, che chở và dạy dỗ tôi; còn Mẹ Thiên Nhiên thì bảo hộ những xóm làng. Tôi yêu màu xanh cây rừng. Trong những bài dạy của mẹ tôi bao giờ cũng có bóng dáng của rừng xanh: “Con biết không, mỗi cái cây trong rừng là một sinh mệnh, chúng cũng biết đau đớn, biết uất hờn, biết yêu thương con người và cũng biết trả thù con người nếu con người chúng mình tận diệt màu xanh bất tận”. Tôi không hiểu hết những gì mẹ nói. Nhưng tôi biết rằng, mình phải yêu rừng như yêu chính bản thân mình và bảo vệ rừng, bảo vệ từng cành cây, ngọn cỏ.

Một dạo nọ, tôi đã khóc ròng khi thấy ai đó đốn hạ cái cây cổ thụ trong rừng, chỗ mà mỗi lần đi rừng với mẹ, tôi hay tựa gốc cây nghỉ mệt, nằm lim dim, mơ màng. Tôi đã trò chuyện với cây, mơ về cây. Tôi vẫy chào cây mỗi khi đi ngang qua và tạm biệt cây cổ thụ mỗi khi rời rừng về xóm. Cái cây bị cắt ngang ở phần gốc, mạt cưa vẫn còn rải khắp mặt đất. Tôi quỳ xuống bên gốc cây trơ trọi, mếu máo. Tôi đưa ngón tay quệt thứ nhựa đặc quánh và đỏ sậm chảy ra từ chỗ lưỡi cưa cắt đứt cuộc đời cây, đưa lên mũi ngửi. Mùi vị của nhựa tương tự như mùi của máu...

  Minh họa: Bích Ngọc

Cây rừng bị đốn hạ nhiều, tôi xót xa, mẹ tôi canh rừng không xuể, bàn với xóm chia nhau đi canh rừng cũng không xuể. Rừng rộng lắm, phủ xanh cả ngọn núi này. Mặc dù xóm tôi đã canh gác cẩn thận nhưng cứ mấy hôm lại mất đi một cái cây. Cây con chưa vượt khỏi đầu người mà cây già bị đốn mất. Chắc kẻ trộm đã cắt cái cây ra thành nhiều khúc mới có thể đưa được gọn lỏn ra khỏi rừng. Tôi ngờ ngợ như vậy. Chúng tôi tính đến chuyện chia người ra canh giữ các lối vào rừng, nhưng vẫn canh không hết. Bọn chúng rất tinh vi, một khi đã muốn phá rừng thì cho dù chúng tôi có thức suốt đêm thắp lửa canh rừng, cây xanh vẫn liên tục thất thoát.

Buổi chiều, mẹ tôi từ trên rừng trở về nhà, mặt mày xanh xám.

- Trống hoác rồi!

- Lại mất cây cổ thụ hả mẹ?

Mẹ tôi gật đầu. Nằm rệu rã. Tôi thấy lòng mình xót xa như thể đứt mất một phần nào đó trên cơ thể sống của mình.

Sức khỏe mẹ tôi ngày một yếu đi. Tôi thì lớn dần lên, cao vượt. Mỗi ngày tôi lên rừng bốn, năm lần. Đêm tôi không sợ gì cả, dù ngày bé tôi rất sợ ma, tôi thắp đuốc đi khắp rừng để kiểm tra. Mẹ tôi ngăn: “Bọn trộm có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn, thậm chí làm hại mình... chỉ để trục lợi”. Tôi không sợ. Ngày còn sống, ba tôi dặn: “Cứ quang minh chính đại thì không có gì phải sợ. Con hãy làm anh hùng của chính mình!”. Tôi vẫn nhớ mãi lời ba.

Mẹ tôi mất trong buổi chiều gió hú. Rừng buồn cúi đầu chịu tang. Mưa rả rích từ chiều đến đêm muộn, sáng hôm sau vẫn mưa. Bầu trời hiu hắt. Chôn cất mẹ xong, tôi nghe tiếng nhạn líu ríu, tiếng chim râm ran trong rừng sâu. Con suối chảy róc rách qua chân mộ mẹ, luồn qua khe đá, đổ dần xuống chân núi. Rừng ngân nga hát, chắc để tiễn mẹ tôi - người đàn bà một đời nghĩ về rừng cây. Mẹ đã bôn ba từ cánh rừng này đến cánh rừng nọ để học cách trồng rừng, cách giữ rừng, rồi trụ lại đất này để nuôi từng mầm xanh trên núi đá. Học thêm vài khóa nghiệp vụ, mẹ tôi là cán bộ nòng cốt của Đội Kiểm lâm có nhiệm vụ giữ rừng, giữ màu xanh cây cối. Mẹ không còn, Đội Kiểm lâm mất đi một cán bộ đầy nhiệt huyết. Các chú bảo với tôi đến khi nào tôi đủ tuổi, các chú sẽ đưa tôi đi học, rồi tôi sẽ thế chân mẹ làm tiếp những gì mẹ làm dở dang.

Tôi vẫn đợi đến ngày ấy.

Mẹ tôi không còn, nhưng tôi vẫn còn một người mẹ khác. Đó là Mẹ Rừng, Mẹ Thiên Nhiên. Tôi vẫn hay lên rừng nằm vắt tay lên trán nghĩ đủ thứ chuyện trên đời, nghĩ về rừng. Một cảm giác ấm áp ôm choàng lấy tôi. Rừng như vòng tay khổng lồ vuốt ve, ấp ủ tôi, đưa tôi vào giấc ngủ thăm thẳm. Đến khi tôi tỉnh dậy thì trời đã xế chiều, chim muông bắt đầu reo nhưng tôi cảm nhận hơi lạnh se sắt. Trời đã bắt đầu mưa. Lâm râm. Hạt nặng. Tôi ngồi thu lu ở gốc cây xù xì có ti tỉ chiếc rễ từ trên cao buông xuống bám vào núi đá. Tôi trở nên nhỏ bé so với cây. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, xuống triền dốc, tôi có thể quan sát được những chuyển động nhấp nhô của một đám người mà tôi không thấy rõ mặt, nhưng chắc hẳn đó không phải người sống trên núi này bởi tôi có thể nhận dạng được. Người trên núi không đi khom và lén lút một cách đầy nhục nhã như thế!

Và rồi tiếng đổ ầm vang lên. Cây rừng lật ngang. Năm bảy tên sấn tới chia năm xẻ bảy cái cây, trong vài phút chúng đã phân định được đường cắt để đưa máy cưa vào cắt xẻ một cái cây cần mấy mươi năm ròng để lớn được chừng ấy. Tôi giận sôi nước mắt. Mưa đầm đìa. Tôi lao vào mưa như xé nước rồi đi xuống dưới đó. Bọn chúng đã thấy tôi. Tôi không nhớ gì nhiều ngoài ba bốn thằng cầm khúc gỗ chạy đến quất túi bụi lên người tôi khi nhận ra tôi là người làng, tôi lịm đi, đau đớn. Mắt tôi mơ màng trông thấy mẹ đang đứng bên cạnh tôi, khuôn mặt buồn bã nhìn tôi rồi sau đó chuyển sang ánh mắt căm phẫn nhìn bọn chúng đang hả hê chia “chiến lợi phẩm”. Tôi ngất đi.

Liêm tìm được tôi trong rừng sâu. Đêm tối đặc quánh. Mùi gỗ thông vẫn còn nồng nàn đâu đấy, nhưng cái cây lúc chiều bọn chúng đã đem đi mất rồi. Đi bằng xe tải. Tôi rọi đèn pin dò tìm, đầu đau rát, tôi phát hiện những vết bánh xe to tướng men theo con đường mòn trổ ra đường lớn, uốn lượn quanh ngọn núi xuống tận chân núi xa xôi.

Tôi bất lực. Liêm an ủi.

Tôi quơ tay bứt cỏ rồi vò nát. Mùi diệp lục thơm nồng. Nước mắt tôi ậng ra.

Có cái gì đớn đau như dao cắt vào xác thịt...

Mùa mưa bão, những cánh rừng chính là tấm chắn khổng lồ để ngăn chặn sạt lở, nứt đất. Những xóm làng của tôi vẫn yên vị trên ngọn núi này như từ ngàn đời nay đã bình yên như thế! Biết bao thế hệ đã lớn lên và nằm xuống, rồi thế hệ kế tiếp lại được sinh sôi, trưởng thành... và chứng kiến từ rừng rậm xanh rì đến lỏm chỏm những khoảng trống hoác, đã từng hạnh phúc, đã từng khóc thét như tiếng khóc của Mẹ Thiên Nhiên tôi nghe được mỗi lúc đêm về.

Tôi già dặn hơn, như một cái cây ở cái tuổi trưởng thành nhưng dạn dày sương gió.

Những cơn giông cứ liên tục kéo đến. Từ xóm xa xôi trên núi nhìn xuống con đường liên tỉnh ôm sườn núi, tôi thấy những ánh đèn pha quét màn sương, xé màn mưa, lao đi. Chúng nối đuôi nhau như một đàn kiến khổng lồ và phát sáng. Tôi đi vào, không quan sát nữa. Những cảnh tượng ấy, mấy năm nay, có ngày nào mà tôi không trông thấy. Tiếng còi xe ì ầm và những cuộc tận diện trên rừng vẫn liên tục diễn ra mà Đội Kiểm lâm có nỗ lực đến đâu cũng chẳng thể kiểm soát được. Tôi vẫn yêu rừng, nhưng tôi thích diện mạo của rừng thuở tôi còn bé và mẹ tôi vẫn còn xuân trẻ hơn bây giờ.

Tiếng động lớn kinh hoàng vang lên. Tôi giật thót người. Nhà bên kia, Liêm phóng ra sân hét to:

- Núi lở! Bà con ơi, núi lở! Đổ hết một vạt rừng...

Liêm nói không thành lời. Như thể mất đi một phần cơ thể.

Tôi rã rời.

Tiếng la hét thất thanh, cùng tiếng khóc vang lên phía cung đường đã sạt lở.

Nước mắt tôi giàn giụa. Chúng tôi rọi đèn pin men theo con đường mòn chạy xuống phía dưới. Nhìn lên, tôi thấy đất đá tuột xuống từng đợt, cây rừng nghiêng ngả rồi tróc gốc lăn xuống chắn ngang cung đường không còn vẹn nguyên. Chỗ bị sạt lở, đất đỏ như màu máu. Tôi hoa cả mắt. Liêm khuỵu xuống, không đi nổi nữa. Tôi dìu Liêm đứng dậy.

- Hết sạch rồi!  - Tôi nói không ra hơi.

Đào bới. Lùng sục. Vài người lao vào đống đổ nát bới móc để tìm những người thân bị vùi lấp trong mớ đất và xác cây hỗn loạn ấy. Một cuộc kiếm tìm đẫm nước mắt đã diễn ra. Tôi rụng rời chân tay nhưng vẫn dùng hai bàn tay không với mười chiếc móng cùn đào tìm những khuôn mặt xa lạ đang nằm sâu và thở thoi thóp dưới lòng đất lở. Mồ hôi nhễ nhại. Trong tiếng la hét, khóc than, tôi đã nghe được tiếng hò hú, rầm rì, gào điên tiết của rừng sâu...

Dưới đống đất đá ấy là những khuôn mặt vừa quen, vừa lạ. Đầu tôi bất chợt nhức nhối dữ dội khi nhìn thấy mấy kẻ xanh xám mặt mày, bê bết máu và bùn đất nhìn tôi bằng đôi mắt đầy tội lỗi. Tôi nhận ra được chúng - những người đã xẻ nát Mẹ Rừng và đánh tôi bất tỉnh trong chiều mưa năm ấy...

 Rừng vẫn chừa cho chúng con đường sống.

Mưa dứt. Tôi lại lên rừng. Ngồi nhìn khoảng đất đổ dạt xuống dưới chân núi, tôi khóc. Một cảm giác ấm áp vây lấy tôi. Tôi ngoái lại nhìn. Là mẹ.

- Mẹ ơi! Cho con theo với. Ở đây khổ quá! Không có mẹ, con khổ quá!

Tôi mếu máo nói, hệt như khi tôi còn tấm bé đòi được theo mẹ đi đến muôn nơi. Nhưng mẹ và tôi bấy giờ là một khoảng cách xa xôi quá, tôi không thể chạm được mẹ và mẹ cũng chẳng thể nào cho tôi theo cùng.

Mẹ bước về phía rừng sâu. Rừng thiêng rì rào gió thổi.

Tôi đứng lặng. Giá như tôi còn có mẹ trên đời.

Tôi cứ vẩn vơ nghĩ mãi về mẹ, về rừng, về màu xanh miên viễn. Cho đến khi để ý, tôi thấy chỗ bóng mẹ tan hòa lúc nãy mọc lên một mầm xanh... 

Truyện ngắn Hoàng Khánh Duy

Tin cùng chuyên mục