Tiếng lòng của một người đàn bà từng trải
Nhà văn Trần Thị Trường, sinh năm 1950 tại TP Tuyên Quang được độc giả biết đến từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Bà từng là Trưởng ban nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc khu vực phía Bắc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Trong quá trình sáng tác, bà ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với những cuốn tiểu thuyết “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, tập truyện ngắn “Hoa mưa”, “Thời gian ngoảnh mặt”, “Tình như chút nắng”... Bà được coi là nữ văn sĩ tài năng với lối văn tự nhiên, giản dị đời thực đến bất ngờ. Bà đoạt giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2004 và năm 2006…
Nữ nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường.
Bà dấn thân vào nghiệp viết ở độ tuổi 40 tuổi với nhiều chiêm nghiệm về nhân tình thế thái. Đặc biệt, bà khẳng định một phong cách giàu màu “nam tính” trên văn đàn, đa số các sáng tác hướng về phía người yếu thế, giàu tính chân thực nhất. Nữ văn sỹ Trần Thị Trường luôn bộc bạch rằng: “Tôi không đặt nặng phương pháp, tôi thấy cái gì cần phải viết lên trên trang giấy là viết để người đọc tìm thấy mình trong mỗi tác phẩm, để cảm thông, yêu thương lấy cuộc đời”.
Tiểu thuyết “Lời cuối cho em” là một thành công ngoài mong đợi của tác giả. Tác phẩm xuất phát từ câu chuyện tình bi thảm có thực mà bà được biết về một đôi trai gái. Họ yêu nhau, nhà người con gái khá giàu, nhưng chàng trai thì nghèo tới mức không có nổi tiền để mời người yêu của mình vào một quán giải khát. Khi đến nhà cô gái chơi, thấy người yêu đi vắng, chàng trai này đã liều ăn cắp một chiếc máy khâu, không may bị người em họ của cô gái phát hiện. Vì quá xấu hổ, nên chàng trai đã sát hại dã man người em họ của người yêu mình, rồi mang chiếc máy khâu đi bán.
Từ câu chuyện có thật trên, nữ tác giả đã hư cấu thành một cốt truyện khác để hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Lời cuối cho em”. Cuốn sách ban đầu in 1 vạn bản (sau đó tái bản nhiều lần) gây tiếng vang, cơn sốt thời bấy giờ. Vậy là mới chỉ “xuất quân” lần đầu đến mảnh đất văn chương Trần Thị Trường thành danh và 3 năm sau trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong các tác phẩm của bà, hầu hết nhân vật trung tâm là phụ nữ và bà luôn dành sự đồng cảm, chia sẻ với số phận của họ. Trong tiểu thuyết “Sóng vỗ mạn thuyền” khắc họa chân thực về công chúa Huyền Trân được nhà Trần gả cho Chế Mân, một ông vua ở phương Nam. Sau khi chồng chết, đáng lẽ phải hỏa thiêu theo chồng nhưng nàng được một võ tướng nhà Trần đưa xuống thuyền, cứu thoát ra Bắc. Và trên đường vượt biển, tình yêu giữa công chúa Huyền Trân và người võ tướng này đã nảy nở và họ đã đến với nhau. Những tình tiết về mối tình trên biển này đều được bà hư cấu với sự cảm thông, thấu hiểu trái tim người đàn bà. Đó là khát khao được sống, được yêu thương, được là chính mình, dù ở thời đại nào người phụ nữ cũng cần được trân trọng, bảo vệ.
Sau 10 năm thai nghén tác phẩm “Phố Hoài” ra đời, tạo cơn sốt nhẹ trong làng văn. Đây là cuốn sách tái hiện một cách chân thật, cảm động về một thời chiến tranh, thời bao cấp, thời ấu trĩ, nghèo đói đã qua. Đọc bất kỳ trang nào bạn đọc cùng thời với bà đều thấy mình có mặt trong đó. Những sự kiện, sự việc, hoàn cảnh của các nhân vật đều ứng với những gì họ từng trải qua. Nhiều độc giả thừa nhận họ đã khóc khi đọc cuốn sách này. Chạm đến trái tim người đọc là việc không phải nhà văn nào cũng làm được.
Thế giới sắc màu bình yên
Giới văn nghệ sỹ trong nước luôn nhắc đến bà là người phụ nữ đa tài và tạo cho người khác sự bất ngờ với năng lực của mình.
Bà Trần Thị Trường đam mê hội họa từ nhỏ, đã theo học lớp vẽ của họa sĩ Phạm Viết Song ở 89 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Tại lớp học này, có danh họa Trần Văn Cẩn đến thăm và dạy. Sau này, nữ văn sỹ Trần Thị Trường đỗ vào Khoa Gốm sứ, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, khóa 1973 - 1978. Nhưng do cuộc sống mưu sinh, bà bỏ nghề vẽ và gốm, mãi sau này, khi đã thành danh với văn học, bà mới quay lại với nghề vẽ.
Tranh tĩnh vật của tác giả Trần Thị Trường.
Năm 2019, bà mở triển lãm tranh cá nhân tại Nhà triển lãm Mỹ Thuật 16 Ngô Quyền với 48 bức tranh. Chỉ trong thời gian ngắn, bà đã bán hết 40 bức tranh, số còn lại bà không bán nữa mà mang về nhà để lưu giữ như một kỷ niệm và đóng cửa triển lãm sớm hơn so với dự định. Đó là việc 20 năm nay chưa từng xảy ra với phòng triển lãm tranh này. Năm 2022, bà được kết nạp vào hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trần Thị Trường vẽ tranh theo phong cách hội họa hiện thực. Bà vẽ chân dung các nhà ngoại giao và các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà văn hóa mà bà trân quý, ngưỡng mộ. Với lối vẽ tự nhiên, tạo thần thái cho nhân vật, tranh của bà dễ cảm, dễ thấu và dễ được yêu.
Nói về tranh Trần Thị Trường, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét: “Trần Thị Trường thật giỏi khi tả cái “chất” của ánh sáng trong ánh sáng. Xem cả phòng tranh tôi không thấy tác giả lúc nào vội vã, hớt hải, thậm chí không có chút trạng thái bối rối, ngập ngừng như của một số cây cọ là nhà thơ vẽ tranh. Trần Thị Trường tự tin vẽ với một tình cảm sâu và chín. Xem tranh của Trần Thị Trường vừa cho ta tâm trạng yên ả, lắng đọng như nghe một bản nhạc nhẹ với những giai điệu dịu dàng, thư thả”.
Gần 5 năm qua, sáng tác gần trăm tác phẩm, tranh của họa sỹ Trần Thị Trường được đông đảo người chơi tranh và bạn hữu sưu tầm. Bà say mê vẽ chân dung nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc trưởng Lê Phi Phi, ca sĩ Ngọc Tân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Đoàn Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn... đều chinh phục “ngay tắp lự” đông đảo công chúng và chính nhân vật được vẽ.
Bà chia sẻ, trong lần triển lãm riêng vào năm 2019, bà vẽ chân dung nhiều nhà ngoại giao, trong đó có bà Kamala Harris nay là Phó Tổng thống Mỹ. Bức tranh này đã được mua ngay và hiện đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Hà Nội.
Ngoài mảng chân dung, bà tập trung vào tranh tĩnh vật, phong cảnh, hoa. Nếu như tranh chân dung của bà lột tả vẻ đẹp độc đáo riêng, thần thái của nhân vật thì tranh tĩnh vật giàu nữ tính, truyền cảm, dồi dào năng lượng tích cực. Đặc biệt, những bức vẽ bếp lửa, đèn dầu... được công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước sưu tầm.
Nhiều người nói rằng, cuộc đời của Trần Thị Trường cũng chính là một bức tranh cuốn hút mà bất cứ màu sắc nào trên toan cũng đều đậm sắc, đều khiến ta tò mò. Bà tha thiết với nghệ thuật, đam mê điều gì bà sẽ dốc lòng thực hiện cho bằng được. Nữ nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn chưa khiến công chúng hết ngạc nhiên vì tài năng và năng lượng tích cực trong cống hiến nghệ thuật. Đó chính là điều mà thế hệ hậu bối học hỏi và trân trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết