Trần Đức Tĩnh ấp ủ kịch bản phim về quê hương

- Trong một chuyến công tác lên huyện vùng cao Lâm Bình mới đây, tôi tình cờ gặp được nhà văn Trần Đức Tĩnh. Hóa ra anh là người Tuyên Quang "xịn", vì trên chuyến xe anh kể rất nhiều kỷ niệm về quê hương.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh trong chuyến trở lại quê hương Tuyên Quang gần đây.

Anh nhớ nhất cây xà cừ cổ thụ đứng uy nghi ở sân Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang). Cứ mỗi độ hè về, ve lại kêu râm ran, kỷ niệm ngày chia tay bạn bè, thầy cô lại ùa về.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh bộc bạch, mình sinh ra và lớn lên tại phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Năm 1993 tốt nghiệp THPT Tân Trào, anh học Trường Sĩ quan lục quân 1. Ra trường từng làm sĩ quan chỉ huy nhiều năm tại Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Hiện, nhà văn Trần Đức Tĩnh đang làm Biên tập viên sách Văn nghệ, tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Ủy viên Ban văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh bắt đầu viết văn khi đã tốt nghiệp đại học. Lúc là cán bộ sĩ quan chỉ huy, anh tranh thủ viết những lúc rảnh rỗi và có nhiều tác phẩm thành công như các Truyện ngắn: Dòng sông tuổi thơ, Mùa phù sa, Ghềnh nước xoáy, Đồng quê xào xạc, Lính cậu, Tân Binh…; Tiểu thuyết: Đối cực, Hạt giống đỏ.


Đối cực - tiểu thuyết của nhà văn Trần Đức Tĩnh.

Từ những tác phẩm thành công khiến sự nghiệp sĩ quan chỉ huy của anh chuyển sang công tác chuyên môn và về công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Nhà văn gắn liền với chủ đề quê hương trữ tình, những tác phẩm chủ yếu viết về vùng đất Tuyên Quang và Bắc Giang. Chính quê hương là điểm tựa giúp nhà văn thành công. Bên cạnh đó, anh còn viết về hình ảnh người lính - là mảng gắn liền với sự nghiệp. Ngoài chất văn trữ tình, nhà văn còn được mệnh danh là ngòi bút dồn dập và táo bạo, với thế giới tưởng tượng phong phú, dám lột tả từ những chi tiết nhỏ nhặt, những góc khuất của đời sống xã hội. Mỗi trang văn như những thước phim quay chậm với những pha võ thuật hành động được miêu tả cặn kẽ khiến người đọc hồi hộp.  Tiểu thuyết hiện thực huyền ảo là thế mạnh của nhà văn.

Nhìn bề ngoài nhà văn Trần Đức Tĩnh đóng bộ quân phục hàm Thượng tá đĩnh đạc, cứng rắn. Nhưng văn của anh thật bồng bềnh và huyền ảo với lối dẫn thắt nút, cởi nút táo bạo. Tác phẩm nói lên tính cách của Trần Đức Tĩnh nhất có lẽ là tiểu thuyết "Đối cực", được Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Nhà văn Phan Tuấn Anh từng nhận xét, tiểu thuyết Đối cực vừa có chất suy tư, chiêm nghiệm, nhưng lại không nặng nề và thuyết lý, lại được viết dưới hình thức một tác phẩm hình sự với không ít những thủ pháp, "gia vị”, "chiêu trò” ăn khách thời thượng như bạo lực, tính dục, phi lý, thế giới ngầm, xã hội đen. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tất cả những "gia vị” ấy chỉ là cái vỏ bọc hình thức bên ngoài, nhằm giúp tác giả triển khai cấu trúc và quan niệm nghệ thuật sâu xa về những thế giới song hành, những thế giới khác, hiện thực khác, tồn tại dưới cái thế giới và hiện thực mà chúng ta đang sống. Cái thế giới ấy là siêu thực, là hư vô, nhưng nó mang ý nghĩa cho thực tại, giúp chúng ta truy tầm bản ngã và chiêu tuyết cho những giá trị nhân bản bị đánh mất trong thực tại.

Đối cực là một cuốn tiểu thuyết tham vọng, khi tác giả muốn triển khai câu chuyện cả trên hai nền thế giới, thế giới của hiện thực và thế giới của cõi âm ty. Như thế, câu chuyện vừa có tính chất hiện thực, lại có tính chất huyền ảo. Hai thế giới này không tương thông trực tiếp, cái huyền ảo không xâm lấn, tham dự vào thế giới hiện thực, nhưng chúng lại giúp giải nghĩa và giải thoát cho nhau. Cả hai thế giới đều viết về hành trình nhân sinh của nhân vật. Thành công của Trần Đức Tĩnh là anh đã xây dựng rất thành công hai câu chuyện, hai thế giới nghệ thuật chỉ trong một tác phẩm. Đối cực là cuốn tiểu thuyết đáng đọc và suy ngẫm hiện nay của các cây viết trẻ trên văn đàn nước nhà. Chúng tôi cũng tin rằng, Đối cực chỉ là một thể nghiệm ban đầu cho sự nghiệp sáng tạo đường dài đầy nội lực của nhà văn ở phía trước.

Nhà văn Trần Đức Tĩnh đang ấp ủ xây dựng kịch bản điện ảnh về vùng đất Tuyên Quang, trả món nợ với quê hương ân tình… 

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục