Tác giả cho biết, cuốn sách này do anh ấp ủ, sưu tầm, nghiên cứu nhiều năm trời. Mới đầu công trình ở dạng đề tài khoa học được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiệm thu từ năm 2020. Sau đó anh tiếp tục đi điền dã ở cơ sở, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung để đủ tư liệu in sách. Trong thời gian đại dịch Covid-19, anh có thời gian để viết lại. Tính đến nay tác giả đã có 7 quyển sách in riêng và 3 quyển in chung nhiều tác giả. Trong đó tiêu biểu như cuốn Bước đầu tìm hiểu dân ca dân tộc Tày, Sán Dìu và Cao Lan; Nghệ thuật diễn xướng Soọng cô của người Sán Dìu huyện Sơn Dương.
Tác giả Nguyễn Phi Khanh.
Từng học Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khi về công tác ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, anh Nguyễn Phi Khanh lại say mê nghiên cứu văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chất “bay bổng của văn chương, cộng với tính khoa học, hàn lâm, nghiên cứu” của “dân Tổng hợp” lại được phát huy. Tác giả khẳng định, người Dao xứ Tuyên là dân tộc có dân số đông chỉ đứng sau người Kinh và Tày, chiếm trên 10% dân số của tỉnh. Cái hay ở Tuyên Quang là có đầy đủ 9 ngành Dao.
Tác giả cho rằng, các làn điệu dân ca tiêu biểu nhất của người Dao chính là hát Páo dung. Hát Páo dung được chia làm nhiều thể loại như Páo dung nghi lễ, tín ngưỡng. Trong lễ Cấp sắc hay cúng Bàn Vương, sau mỗi nghi thức cúng lễ là phần hát của thầy cúng như một lời thỉnh cầu đến tổ tiên. Theo sách cổ Sử thơ của người Dao thì trong các đại lễ cúng thường có 7 khúc hát: Tổ tông chú dụng, Thổ công chú dụng, Thượng miếu chú dụng, Tam thanh chú dụng, Hành sư chú dụng, Thượng đàn chú dụng, Hạ đàn chú dụng. Sau mỗi nghi thức cúng kết thúc là điệu múa chuông và khúc hát của các thầy cúng: “Mở bài hát ra/Hát cho đất hưởng cho trời sáng/Cho đến khi hết đám mới thôi/Để chủ nhà, khách, sáng như ngọc”.
Cuốn sách mới của tác giả.
Ngoài Páo dung nghi lễ, tín ngưỡng còn có Páo dung trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, như hát giao duyên đối đáp tình yêu đôi lứa. Chàng hát: “Hôm nay may mắn được gặp nàng/Sợ nàng không thích hát với anh/Anh về không muốn đi nương nữa/Chỉ biết thương nhớ ở đằng sau”. Nàng đáp: “Hôm nay cũng may mắn gặp chàng/Khôi ngô tuấn tú lại hát hay/Lòng em cũng muốn cùng chàng hát/Đi bộ bên chàng quên giờ giấc”. Hay hát Páo dung trong lễ cưới. Khi ông hành mối đại diện nhà trai hát xong, bố mẹ hay đại điện nhà cô gái hát đáp lời ông hành mối, đồng ý với lời dạm ngõ của bố mẹ chàng trai: “Gái đến tuổi, người đến dạm hỏi/So tuổi duyên số hợp nhân duyên/Hợp duyên số nối dõi tông đường/Tâm đầu ý hợp cùng nhau vun đắp/Bên trai không chê, cùng hướng tới/Đôi lứa thành duyên phúc trọn đời”. Bên cạnh đó người Dao còn có hát trong lễ đón dâu, hát đối đáp nam nữ đã có vợ có chồng, hát ru, hát răn dậy, hát mời rượu, hát đố…
Phần hai của sách cho người đọc thấy được các nhạc cụ dân gian của người Dao như: Trống, thanh la, chũm chọe, kèn pí lè, chuông lắc, sáo trúc, tù và. Nhạc cụ của người Dao giúp làm nhạc đệm cho các điệu múa của thầy cúng. Khi hành lễ, các nhạc cụ cùng hòa tấu sẽ tạo âm thanh vang động, gây không khí vừa trang nghiêm vừa tưng bừng náo nhiệt. Cùng với nhạc cụ, người Dao có nhiều điệu dân vũ tiêu biểu. Điệu múa mở đường mang ý nghĩa bảo vệ an toàn cho thụ lễ, mong người thụ lễ trung thực, có ích cho dòng họ, tộc người và xã hội. Vũ điệu múa kiếm được thực hiện trong các lễ tết nhảy, lễ cúng Bàn Vương mong cho mọi người sức khỏe, cuộc sống ấm no. Vũ điệu múa rùa trình diễn trong lễ Cấp sắc, nhảy lửa miêu tả quá trình tìm kiếm, đuổi bắt, làm thịt rùa dâng lên các vị thần linh để tỏ lòng tôn kính. Vũ điệu múa chuông thường diễn ra trong tết nhảy, lễ Cấp sắc, tết thanh minh, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy cầu mong thánh thần che chở, phù hộ. Rồi còn múa chạy cờ, múa cầu mùa, múa bát…
Hát Páo dung của người Dao, xã Sơn Phú, Na Hang.
Giáo sư, tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, đây là một cuốn sách hữu ích, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của tác giả với nền văn nghệ dân gian tỉnh nhà, trước xu thế bản sắc văn hóa đang bị mai một. Tác giả gợi mở cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có dân ca, dân vũ. Bên cạnh những nỗ lực quyết tâm của các nghệ nhân dân gian, cần hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành nhằm đồng bộ hóa các giải pháp. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh toàn dân trong bảo tồn di sản dân ca, dân vũ của đồng bào Dao trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết