Năng lượng trong tranh Hoàng A Sáng

- Hoàng A Sáng từng quan niệm, là họa sĩ, ai cũng muốn vẽ được bức tranh đẹp, nhưng có một sự thật rằng, bức tranh đẹp đó vẫn ở phía trước và mãi mãi ở phía trước. Chính vì điều đó mà họa sỹ như anh được vẽ, được tìm kiếm, tu sửa bản thân mình và những bức tranh của mình. Trong quá trình đó, nhiều lần, chính anh được chạm vào hạnh phúc.

Miền của A Sáng…

Họa sĩ Hoàng A Sáng sinh năm 1976 ở Pác Thay, một bản đồng bào dân tộc Tày thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Gia đình họa sĩ hiện sinh sống ở Hà Đông (Hà Nội) thế nhưng tâm hồn anh vẫn luôn trôi về bản làng.

Trước khi đến với hội họa, nhiều người biết tới A Sáng là tác giả của nhiều cuốn sách, cả tạp văn và tiểu thuyết. A Sáng gây chú ý với 2 triển lãm “Miền A Sáng 1” và “Miền A Sáng 2”. Ở đó, người xem bước vào không gian hội họa có dấu ấn riêng của một họa sĩ người Tày sống ở Hà Nội.

Đến với không gian miền núi trong tranh Hoàng A Sáng, nhiều người yêu thích hình ảnh những ngôi nhà sàn với những bối cảnh khác nhau, không gian khác nhau, nhưng đều toát lên vẻ đẹp bí ẩn từ vùng cao Đông Bắc. Những ngôi nhà biết kể chuyện, những câu chuyện đầy thi vị: Có ngôi nhà cận cảnh nhìn rõ từng mái ngói, khung cửa, cầu thang với chung quanh là nọc rơm và cây cảnh; có ngôi nhà phía dưới sàn là những con thú nuôi trâu bò ngựa đang ung dung tự tại, còn trên nhà là đôi lứa đang nồng nàn hôn nhau; có ngôi nhà lưng tựa vào núi, phía trước rực rỡ hoa cải hay tam giác mạch; có ngôi nhà nằm chon von trên ngọn đồi hay bao bọc bởi ruộng bậc thang đang mùa lúa chín vàng. Hay có ngôi nhà cạnh dòng sông với chiếc xuồng cắm sào chờ đợi, hay yên tĩnh dưới ánh trăng tròn vằng vặc tỏa sáng núi rừng… Anh đặt những tên tranh nghe thật thơ mộng: Sông núi quê mình, Trăng treo đầu non, Tình yêu, Yên bình núi cao….

Họa sĩ Hoàng A Sáng.

Nhiều người nói rằng, nhìn vào tranh vẽ phong cảnh miền núi của Hoàng A Sáng cảm giác như trước mắt mỗi bức tranh thực sự là một bài thơ bằng màu sắc, được chế từ chính hoa, lá, vỏ cây… lấy về từ rừng và nhất định phải là rừng núi Đông Bắc. Đặc biệt các bức tranh vẽ về con người vùng cao, như Đi chợ, Xuống chợ, Em bé và ngựa, Khoe váy… không tỉ mỉ, mô tả nhiều chi tiết, mà nó được giản tiện, gồm các mảng miếng ấn tượng. Nhân vật, con người trong tranh cũng hết sức phiêu diêu, phảng phất. Đúng là một cuộc dạo chơi bất tận với sắc màu của một họa sỹ núi rừng.

Tranh của Hoàng A Sáng thể hiện được nét trong sáng, hồn nhiên, chân chất của đồng bào miền núi vùng cao. Ở đó, người ta không chỉ thấy núi đồi, thấy nắng, thấy những mùa hoa tuyệt đẹp nơi non cao, mà còn thấy tâm hồn của họa sĩ, thấy tâm tình của người vẽ về cố hương và những nơi chốn đã đi qua.

Giới hội họa đánh giá rằng, giờ đây Hoàng A Sáng đã là họa sỹ nổi tiếng, nổi tiếng ở sự độc đáo, nổi tiếng bởi sự đa tài nhưng trên hết, thứ khiến anh nổi tiếng thực sự là khả năng bảo toàn nguyên vẹn, nguyên khối những gì thuộc về cội nguồn.

Dịu dàng trong thế giới sắc màu

Bên cạnh mảng tranh miền núi độc đáo khác lạ, Hoàng A Sáng nổi danh với những tác phẩm mang hơi thở thiền định. Bởi có gì thật dịu dàng mê hoặc khi ta ngắm nhìn những bức tranh của A Sáng. Đến nỗi nhìn tranh, ta không thể không yêu lấy cuộc đời mình đang sống, kiếp sống mình đang trải qua.

Hoàng A Sáng kể rằng, có giai đoạn anh bị trầm cảm. Gia đình có biến cố, áp lực của cuộc sống…anh bắt đầu đọc sách về Thiền và tìm đến Thiền như một phương pháp cải thiện sức khỏe.

Tranh của A Sáng dựng lên ba vùng đặc trưng: sen - phong cảnh - tĩnh vật. Anh không cố định kể chuyện gì rắc rối trên tranh cũng chẳng chủ trương đổi mới hay cách tân gì hết. Đơn giản là anh vẽ những gì trong mình. Đó là cuộc đi vào trong, nhìn sâu sắc vào bên trong. Với gam màu dịu nhẹ, lối tư duy nhẹ nhàng, tranh của anh mang đến một nguồn năng lượng tích cực.

Tác phẩm Mùa xuân về bản của Hoàng A Sáng.

Xem tranh thiền của A Sáng, không hiểu sao nhiều người nghĩ, những người hay nổi nóng, không thể kiềm chế cảm xúc trước những vấn đề của đời sống, hãy treo tranh của họa sỹ A Sáng trong nhà. Những người đã từng bị tổn thương trong tinh thần cũng nên treo tranh của  A Sáng trong nhà. Năng lượng đẹp từ những bức tranh tỏa ra có thể sẽ giúp họ bình tâm, vượt qua những cú sốc và sống thanh thản hơn. Bởi những bố cục, những đường nét, những màu sắc của Hoàng A Sáng luôn hướng tới một vẻ đẹp thuần khiết và sự thánh thiện.

Nhiều bức tranh của anh với cái tên đơn giản như: Cây, Ngủ, Vợ chồng, Sư ông, Cha và con, Chú tiểu… mang đến một không gian an bình, dịu dàng. Hay các bức tranh Bên sen, Sen nâu, Sen xanh, Áo sen, Thiếu nữ với sen, Đêm, Hai người… lại lấy lá sen làm nền cho các nhân vật. Lá sen cũng được cách điệu, dáng người được mô tả với những suy tư rất gợi. Những gương mặt người ngủ trong sen, trong thiền định. Từ họ tỏa ra một sự ấm áp lạ lùng. Đến nỗi nhìn tranh, ta không thể không yêu lấy cuộc đời mình đang sống…

Giờ đây, Hoàng A Sáng đang vững vàng trên con đường sáng tạo mỹ thuật mình đã chọn. Tranh của anh nằm trong nhiều bộ sưu tập ở trong và ngoài nước.  Hoàng A Sáng mở ra những không gian sắc màu kỳ thú khác biệt, trong đó điểm nhấn chủ đạo là những  cảnh sắc miền núi biết kể chuyện, tiếng nói tâm linh từ mỗi bức tranh thiền định… tiếp tục chinh phục người yêu hội họa.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục