Hoa gạo trở về

 

Ly gặp Đạt trong lần lễ ký kết giao ước thi đua trong khối. Chẳng rõ anh ta ở đơn vị nào nhưng mới được hai ly mặt đã đỏ gay. Thế rồi mọi người lại đá sang chuyện bờ bên kia. Có vẻ như Đạt muốn làm đánh lạc hướng mọi người để hãm chậm cái tốc độ cụng ly. Hiền “béo” có khoe bộ ảnh cưới chụp với hoa ban. Liên kể anh chồng có lần câu được con chắm sông nặng gần chục cân. Bà Phúc nhếch mép cười nhạt. Ở cái tuổi bốc hỏa bà chột dạ nghĩ đến gã nhân tình có cái quán nhậu Padorama…

Ly đang nghĩ vẩn vơ bỗng giật mình bởi tiếng “cạch” của hai chiếc ly thủy tinh. Đạt đang vươn tay nhìn thẳng vào mắt cô bằng cặp mắt đầy khó hiểu sau cặp kính cận. Cả mâm rộ lên, mọi người ra một điều kiện: “Nếu anh mời được người đẹp cùng tên với dụng cụ đựng rượu thì chúng em tha cho anh bữa này!”.  Đương nhiên, cô không uống với một người xa lạ nhưng ít ra cũng phải cho hắn ta một lý do để hụt hẫng.

- Anh Đạt sang bên đấy đã tìm thấy… con tưởng bở chưa?

Sau câu nói của Ly cả mâm im bặt. Có lẽ sự mỉa mai không có trong “thực đơn” chém gió của cả mâm. Lạ. Đạt không hề biến sắc mà còn hào hứng:

- Anh chính là con tưởng bở và bở thật. Anh tìm thấy gốc gạo già bị bỏ quên ở con dốc đi lên một cái gò. Nếu Ly uống ly rượu này, anh sẽ đưa em sang đó để chụp một pic ảnh đẹp…

Trời. Đúng là gốc gạo già ấy thì không thể nào khước từ được. Nhưng nếu uống sẽ tự loại mình ra khỏi dự định lái xe rong ruổi như mọi chiều. Đạt lại như nhìn thấu tâm can của cô:

- Nếu em biết ai đã dựng tấm biển bằng đá khắc ngay dưới gốc cây gạo thì anh sẽ uống thay em ly rượu này…

Cả mâm “ồ” lên cổ vũ cho sự ga lăng của Đạt. Hoặc anh ta đã say, hoặc tỉnh trong sự dại gái. Chỉ Ly hiểu Đạt thực sự là người say mê nghệ thuật mới dành cho cô câu hỏi ấy. Không còn sự lựa chọn nào khác, cô chấp nhận uống chén rượu đó nhưng chỉ thấy vị đắng đầu lưỡi bởi trong lòng đang dâng lên một cảm giác ngọt ngào bởi sự đồng cảm…

Đêm ấy, Ly mất ngủ, cô lục tung Facebook để tìm nic của Đạt nhưng vô vọng. “Người lạ ơi”, chẳng lẽ trên đời lại có người cũng si mê nghệ thuật đến mức chẳng dùng mạng xã hội. Cô ân hận khi lúc ấy mình không nói với anh ra rằng tâm biển là minh chứng cho việc từ hai mươi năm trước cha con một người họa sĩ nghèo đã tạo tác không gian nghệ thuật để mai sau có cái gọi là check-in.

*

Ly còn nhớ mình từng có một căn nhà mái bằng cao ráo, nền lát gạch bông Bách Khoa giữa con phố trung tâm của thị xã nhỏ. Một ngày, cha cô đi làm về đứng giữa cửa, khuôn mặt ông chưa bao giờ rạng ngời như thế. Ông nói oang oang về cái dự định biến gò đất hoang bên kia sông thành không gian ký ức.

Mẹ lặng im, nụ cười tắt trên môi bà từ hôm đó. Người nào cũng linh cảm được sóng dữ đang rình rập con thuyền hạnh phúc nhỏ bé của mình. Không một khách ghé qua, nợ đến hạn phải trả. Gia đình cô phải chui rúc vào tận hẻm núi. Ly không bao giờ quên tiếng mẹ cô van nài những người đến đòi nợ. Âm thanh ấy cứ lầm rầm như tiếng mọt gặm cột nhà tre tươi dựng tạm bợ đêm đêm.

Thế rồi, trời cũng không triệt đường con người. Con đường lại xẻ vát một góc quả đồi, mảnh vườn cằn cỗi mọc đầy hoa xuyến chi của nhà Ly lại nằm trên con đường dẫn vào khu tái định cư. Nhưng từ lúc nhà được xây cất khang trang, bạn bè, họ hàng mừng cho cái sự khôi phục cơ nghiệp gia đình thì cha cô lại lủi thủi một mình. Ông gần như đóng cửa, né tránh mọi mối quan hệ. Người duy nhất ông nói chuyện là một người thương binh nặng, lúc nhớ lúc quên.

- Tại sao cả ngày bố chỉ nói chuyện với bác Hưng?

- Bác ấy giờ như một đứa trẻ. Chẳng gì hơn là chơi với một người chẳng còn nhớ gì. Bác ấy luôn giống trang giấy trắng…

Thi thoảng, Ly lại giật mình bắt gặp nét nào đó của Đạt ở những người trên phố. Khi thì chiếc áo sơ mi owen mầu xám, lúc là cặp kính gucci và cả chiếc máy ảnh lãng tử đeo trước ngực. Ly nhớ ai đó từng nói: “Với thế giới, bạn có thể chỉ là một người, nhưng với một người, bạn có thể là cả thế giới”. Thì cứ coi như mình si mê một nhân vật trong phim.

Sáng nay, không khí đìu hiu của một ngày nồm.

- Này Ly, em xem sang phòng gặp chị Phúc đi, đúng lĩnh vực của em đấy!

Ly miễn cưỡng kéo ghế đứng dậy, Hiền “béo” cầm bút đánh dấu mấy chỗ quan trọng trong văn bản rồi lấy điện thoại ra hí hoáy nhắn tin cho chồng chưa cưới. Cái bụng nó đã lùm lùm trong chiếc váy size đại nhưng nhà chồng vẫn chưa chọn được ngày cưới. Liên hình như vừa chạy từ viện về. Anh chồng đi câu sảy chân ngã xuống bờ đá gãy chân đang phải bó bột. Họ đều không tự quyết định được cuộc sống của mình. Ba đứa chả ưa nhau nhưng cùng chòng chành trên một con thuyền đành sống bằng sự thương lượng, mặc cả.

- Sếp Vinh chẳng biết ăn phải bùa mê thuốc lú gì mà lại rước cái bọn làm dự án văn hóa về. Cháu phụ trách thiết kế ý tưởng sự kiện. Đúng người nhé.

- Thế cháu phải làm những gì ạ?

- Thì mình là phòng chuyên môn nên cứ làm cho có, đi gặp giám sát xem đối tác họ làm gì về viết báo cáo. Hết.

Ly cúi nhìn hồ sơ. Điều mà bà Phúc lo sợ nhất đã đến, rồi sẽ không ai để yên cho cái quán nhậu Padorama không phép. Nhưng ở đó còn có cây gạo già và cái gò hoang. Mùa xuân đến, nó trổ hoa đỏ như muôn vàn tàn lửa trong cái đêm cuối ở đấy khi mà cô lén theo cha đi tìm lời giải cho những lời đồn. Đêm ấy trời u ám và đen đặc. Cha cô đốt đuốc đi lần thẩn trên gò như một người bị ma bắt mất hồn. Ông không tin vào đất dữ nhưng tại sao cái quán gió xây bằng gạch bản đầy thi vị mà ông đã dành dụm tiền bạc và công sức lại xụt, nứt vỡ như một sự trừng phạt…

Cuối cùng thì mình cũng có cớ để hẹn anh ta. Như một người dại dột leo lên cành cây cao đợi mãi rồi cũng được chạm vào mặt đất. Cảnh xưa vẫn vậy, cỏ xuân lên xanh rì nhưng lúc này không thể hoài niệm một cách yếu đuối. Ly liếc đồng hồ, “đã quá đến ba mươi mấy phút rồi đấy anh bạn trẻ. Từng ấy thời gian đủ để nói một lời chia tay rồi đó...”.

Nhưng Đạt đã xuất hiện theo cách của một người đàn ông chân thật. Thay cho lời xin lỗi anh bước đến với tấm hình đẹp đến bất ngờ của Ly hiện ra trên màn hình máy ảnh.

- Sao anh chụp đẹp thế?

- Là nhờ người nào đó và thời gian đã để lại những bậc thang gạch mộc rêu phong, gốc cây gạo với tỉ lệ khuôn hình và sự biểu cảm của Ly nữa…

Ly cảm thấy sống mũi cay cay, ánh mắt cô nhìn Đạt như muốn nói: “Anh có biết không? nơi anh đang đứng từng là nền nhà của gia đình tôi đấy. Cái bậc xây bằng gạch mộc kia chính là lối lên căn phòng mà tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Ở cái chỗ bậc có hòn gạch cong vênh kia, tôi đã trượt ngã may nhờ có bác Hưng đã đỡ tôi dậy.

- Anh chụp giúp em thật nhiều nhé, em muốn có một bộ ảnh ghi lại tất cả các góc độ trước khi họ kéo máy ủi đến san phẳng tất cả.
Đạt không trả lời mà buông một câu xa xôi:

- Anh sinh ra ở một mom đất nhô ra sông, cũng có cái gò cao như thế này…

Nghe anh kể mà như tất cả đang hiện ra trước mắt. Con thuyền chở những người trai ngược dòng lên huyện đội khi anh còn ẵm ngửa. Mẹ dắt anh lên cái gò cao ấy để ngóng cha về từ chiến trường miền biên viễn xa xôi, Đạt bảo: “Dòng sông bao giờ cũng nghiệt ngã vì nó chỉ chảy xuôi, đâu cho chúng ta được tiếc nuối. Cha anh đã ra đi như thế, ông và những người bạn đã ngược dòng và phạm vào điều cấm kỵ của cả làng”.

- Thế rồi mẹ anh vẫn đợi sao?

- Đúng thế, cũng tầm tuổi em bây giờ. Bà đã đợi như thế từ lúc xuân xanh cho đến khi tóc bạc. Bà đã khóc hết nước mắt cho đến khi anh đủ lớn đến lo sợ rằng thay vì nước mắt là những giọt máu đã rớt xuống gốc gạo để có thứ hoa đỏ như thế.

Ly liếc nhìn đồng hồ. Cũng chả thấy đối tác nào đến động thổ hay ngó nghiêng. Cô đứng lên, định chào tạm biệt:

- Thật ra, em cũng không muốn đến đây nhưng không thể kháng lệnh của sếp.

- Thế ngày mai?

- Họ không hẹn làm việc với em, nhưng em vẫn muốn đến đây để xem anh chụp.

Hôm sau, Ly đã thấy Đạt mua cà phê muối rồi bắt cô ngồi dưới một chiếc ô của người câu cá để lại cho khỏi nắng. Chiếc ô nhỏ, đã sờn và rách để một tia nắng xuân dọi vào má Ly. Cứ thế, thứ ba rồi thứ tư… sếp không giục, đối tác không xuất hiện. Ly đứng dậy, phủi những bông cỏ bám trên gấu quần:

- Tạm biệt nhé, từ mai em sẽ không ra đây nữa. Báo cáo đã đầy đủ chi tiết trong máy.

- Ờ, nhưng đừng viết là gặp anh đấy nhé.

Ly lườm Cao. Anh chàng ngốc này hóa ra cũng biết “tán gái” cơ đấy. “Anh không biết anh là đối tác của em sao?” - cô thầm nghĩ.

Ly gắng sức đẩy chiếc xe lăn đến gần cái gò để bố có thể nhìn rõ hơn. Cơn tai biến khiến ông không thể tự mình leo lên đó được nữa. Có lẽ khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng khá lớn vẫn không đủ khiến ông thôi day dứt. Đúng lúc đó, một chiếc xe xuất hiện, mấy người lạ bước xuống. Đạt như từ dưới chân chui lên chạy đến trước mặt Ly:

- Em yên tâm rồi chứ. Cháu chào bác. Dự án bên anh đã bảo tồn nguyên trạng không gian này để làm phim trường. Lúc ấy anh không tiện nói với em.

Ly lườm Đạt, cô vẫn chưa thèm nói chuyện với anh dù trong lòng rất vui. Đúng lúc ấy, từ phía sau, bác Hưng bước đến túm lấy sợi dây chuyền trên cổ Đạt khiến anh lúng túng. Nhưng rồi chính Ly cũng ngỡ ngàng:
Sao anh lại có mặt dây chuyền giống của bác Hưng, cha nuôi em…

Hai người đàn ông ôm lấy nhau, gắn chặt vào nhau bằng những giọt nước mắt sánh như keo. Đạt không thể tin nổi anh và cha mình đã tìm thấy nhau ở một nơi như thế này. Một bông hoa gạo đỏ bỗng rớt xuống. Phía xa, đoàn làm phim đang khởi quay bộ phim có tên: “Mùa hoa gạo trở về”.

Truyện ngắn: Bùi Việt Phương

Tin cùng chuyên mục