- Cô Lam ơi, có thư nè!
Tôi nghe tiếng gọi thì lật đật dừng công việc chạy ra ngõ. Chị Thắm thấy tôi từ trong nhà bước ra bèn nói to - như đang thông báo một điều nóng hổi:
- Thư tay nha cô!!
Tôi đang đi nhưng khựng lại, xua tay phân bua:
- Chắc nhầm cô bé học trò xóm dưới á chị, cũng học trường em, y tên cô giáo luôn!
- Ghi rõ ràng là cô giáo Hồng Lam, Trường THCS X mà nhầm đi đâu được!
Chị đinh ninh như vậy thì chắc không nhầm rồi. Không giống khuôn mặt vui vẻ của một người chờ thư (hay chí ít cũng nở nụ cười vì chút tò mò). Không có gì hết, vẫn khuôn mặt lạnh băng, tôi đứng lưỡng lự. Từ ngày trở thành mẹ đơn thân, tôi thường bị những tin nhắn nặc danh khủng bố nên giờ nghe thư tay lại liên tưởng A, B rồi thấy dị ứng nên không muốn bước. Nhưng cánh tay chị đang cầm lá thư đưa về phía tôi chờ đợi, tôi đi nhanh ra lấy, miệng cười như mếu nói cảm ơn.
Minh họa: Bích Ngọc
Con trai ngây thơ hỏi:
- Thư ai vậy mẹ?
Nghe con hỏi, tôi như tìm được chỗ trút, làu bàu cho bõ ghét:
- “Quà Giáng Sinh” bất ngờ của mẹ đây mà!
Cậu bé học lớp 3 làm sao hiểu được tâm tư bực dọc của người mẹ trẻ nhạy cảm. Nghe nói quà liền khẩn khoản:
- Nhanh mở ra coi đi mẹ!
Nhìn gương mặt hí hửng của con mà đau từng khúc ruột. Thằng nhỏ đâu có biết ất giáp gì. Cứ tưởng ai cũng như cu cậu, Giáng Sinh nào mẹ cũng đưa đi chơi, quà cáp hậu hĩnh để bù sớt cho tuổi thơ chỉ sống với mẹ. Thấy con giục, tôi cũng quán tính làm theo. Ôi, người gửi là N.V.T, gửi từ trại giam P. Cái gì vầy trời ? Tối nay tính đem con tới nhà thờ chơi, chiều nhận được thư của chàng lạ hoắc nào đó gửi từ trại giam. Cũng là một kiểu khủng bố vậy. Hoang mang luôn. Mình có quen biết ai ở trại giam mà gửi đích danh, đúng địa chỉ luôn mới ớn.
Tôi tò mò mở thư đọc. Ấn tượng đầu tiên không tốt vì chữ viết rất yếu ớt. Đọc thư của một người lạ nào đó mà có cảm giác như đang ngồi đọc bài Tập làm văn của học trò. Thư viết kín đôi giấy luôn. Đã đọc xong. Qua thư, tôi được biết N.V.T ở tù, cùng phòng giam với một người anh ở cùng địa phương. Không hiểu vì cơ duyên gì mà một tờ báo tôi cộng tác với chuyên mục Tình huống học đường đã lọt tới phòng giam thì người anh ở cùng địa phương và N.V.T đã đọc nó. Anh bảo cô giáo này ở xóm anh. Thế là cậu thanh niên ngỏ ý muốn được tâm sự để nghe cô tư vấn, anh bèn cho địa chỉ.
N.V.T là một cậu thanh niên quê ở tỉnh ngoài, nhận án bốn năm tù vì tội trộm cắp tài sản có gây thương tích. Ban đầu tôi có chút sờ sợ nên nghĩ đọc xong thư rồi sẽ gấp cất. Định vậy nhưng dòng chữ tái bút ở cuối thư “Rất mong nhận được hồi âm từ cô!” vẻ chân thành, khẩn thiết đã làm tôi áy náy với ý nghĩ lạnh lùng ban đầu.
Xin trích một vài dòng trong bức thư đầu tiên của N.V.T mà tôi nhận được:
“Em không biết khi đọc thư của một người xa lạ lại đang ngồi tù thì cô sẽ nghĩ gì nhưng với em, khi ngồi viết những dòng này, hàng loạt những chữ “Giá mà” đang dần hiện hữu về kèm theo những nỗi đau đang gặm nhấm mà ngày ngày em phải chịu đựng. Giá mà ngày đó em đừng hỗn hào xấc xược với cô thầy, giá em đừng bỏ học đi bụi. Em bây giờ lạc lõng, mất phương hướng đến bế tắc…”.
Đắn đo, phân vân nhiều lắm. Việc đó có cần thiết không? À không, chính xác là có an toàn không. Tôi có chút rụt rè. Hay thôi, mẹ đơn con chiếc, không khéo lại rơi vào thảm cảnh tự mua dây buộc mình. Nhưng đặt mình vào vị trí của người tù, tôi nghĩ: Mình đã từng rơi tận cùng vào hố sâu tuyệt vọng, trong giờ phút bi thiết ấy, tôi có đưa cánh tay ra và cầu mong sẽ có ai đó cầm thật chặt tay mình. Tôi đã toan tìm đến cái chết như một sự giải thoát vì thấy mình trơ trọi giữa cuộc đời. Nhưng cuộc đời đâu đơn giản tới mức không muốn sống thì chết. Tôi đã vật vã trong cô đơn để vượt qua san chấn cuộc đời. Một người từng trở về từ cõi chết, tôi yêu thiết tha cuộc sống này. “Còn niềm tin là còn tất cả, mất niềm tin là mất tất cả”, tôi ghi nhớ câu đó và cũng muốn gửi thông điệp này đến người tù đang ở trạng thái tuyệt vọng. Không đắn đo nữa, tôi quyết định hồi âm thư của cậu thanh niên trong tù.
“Rất ngạc nhiên, vô cùng cảm động…”. Tôi dùng thủ pháp nói quá, viết in hoa chữ “VÔ CÙNG CẢM ĐỘNG” vì muốn cậu thấy ấm lòng hơn khi đọc thư tôi.
Tôi viết thư và gửi đi, gửi cho cậu niềm tin để hướng thiện. Tôi kể cậu nghe về cuộc đời của nhà văn O. Henri. Ông từng ngồi tù vì là nhân viên của một ngân hàng, do sổ sách không khớp những con số nên ông bị truy tố vì tội biển thủ công quỹ. Trong nhà tù ở thành phố Columbus, ngoài thì giờ làm việc, ông vẫn sáng tác để gửi tiền về nuôi con gái. Bắt đầu từ đây, ông dùng bút danh O. Henry. (O. Hen ri là những chữ cái được nhặt ra từ cụm từ “Ohio penitentiary” (nhà tù Ohio)). Tôi muốn cậu thanh niên thấy một minh chứng rành rành như thế. Ngồi tù là tội lỗi, sai lầm thì ai cũng có thể mắc nhưng hãy xem nó như một trải nghiệm khắc nghiệt của cuộc đời. Đứng trước khó khăn, thử thách, nếu vượt qua được, con người ta sẽ vững vàng, cao đẹp hơn.
Những bức thư tay gửi qua gửi về. Sợi dây liên lạc giữa chốn ngục tù với thế giới bên ngoài được kết nối.
Tôi nói đi nói lại, dù lý thuyết nhưng tôi đã nói, đã gào bằng trái tim: Ngã ra sao không quan trọng bằng việc đứng dậy thế nào sau cú ngã đó. Cậu hãy còn trẻ, đường đời còn quá dài. Đừng bao giờ đánh mất niềm tin . Mong cậu hãy đối diện với sai lầm. Hãy chuộc lỗi, hãy chịu trách nhiệm bằng việc cải tạo tốt. Cuối chân trời luôn có một lối đi…
Là một cô giáo, tôi đã xem N.V.T như một học trò, hồi hộp dõi theo diễn biến tâm trạng của cậu ấy. Tôi vui mừng khi thấy N.V.T đã lấy lại thăng bằng, đã biết mơ đến một ngày được trả tự do, được sống như một người lương thiện chân chính. Ôi may quá, đã có lại niềm tin yêu cuộc sống rồi. Đem chuyện đó chia sẻ với cô bạn thân như đang khoe một “chiến tích”, tôi bị bạn la một trận tơi bời.
Cô bạn nói một thôi một hồi những lý do cần phải chấm dứt cái việc mà tôi cho là tốt đẹp lại. Vì theo bạn, đó là một việc làm thảm họa, chứa rất nhiều những rủi ro, đe dọa. Bạn nói đại khái thế này: Bây giờ ở tù, không có ai đoái hoài nên mới tìm một người lạ hoắc để bấu víu, nếu cứ thư đi thư về thế này, rồi khi ra tù, cậu ấy chẳng về quê mà đi thẳng đến địa chỉ của cô giáo Hồng Lam. Nếu điều đó có thật, bạn sẽ phải đối mặt thế nào. Rồi ai sẽ là người bảo vệ mẹ con bạn? Mình thân bà mẹ đơn thân xa xứ, bịnh đau lạch ạch. Bạn thương cậu nhỏ không quen biết thì sau này ai sẽ thương bạn? Nhân danh một người bạn thân, cô ấy cảnh báo tôi không được thư từ gì nữa, việc làm đó y như đang đào chậm một cái huyệt để tự chôn mình vậy.
Tôi chỉ muốn nói một câu: “Con chim phải đạn sợ làn cành cong”. Cuộc sống này đã dập vùi tôi năm lần bảy lượt. Tôi có trong mình lênh láng những vết thương, thân thể trầy trụa, tinh thần tan tác… Thế nên những lời cảnh báo của cô bạn đã có hiệu lực với tôi ngay lập tức.
Nhưng kỳ lạ, tình huống đã bị đảo ngược. Không hồi âm thư của N.V.T, tôi vẫn đều đặn nhận thư từ trại giam. Tôi bây giờ lại trở thành người mà cậu ấy quan tâm, động viên. N.V.T bảo, qua người anh cùng phòng, cậu biết nhiều về hoàn cảnh của tôi, cậu viết: “Nếu đúng như những gì anh ấy nói thì dù thế nào em cũng không biết nói gì hơn ngoài hai từ “cố lên”. Dù sao thì em cũng muốn cô suy nghĩ tích cực, lạc quan. Những lời này với cô có lẽ thừa nhưng em vẫn muốn nói “Biết đâu cánh cửa này khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra””. Những bức thư tôi nhận được sau đó, tôi đã biết cậu ấy đã hướng thiện nhưng vì muốn an toàn, tôi vẫn đọc thư rồi gấp cất chứ không hồi âm.
Mới đó lại sắp tới Giáng Sinh nữa rồi. Tính ra, tôi và N.V.T kết nối đã trọn năm. Trên đường đi làm về, thấy một số nhà ở mé đường trang trí hang cỏ, bụng tôi tự nghĩ như vậy. Đang miên man suy nghĩ rất mông lung thì thấy chị bưu tá đang đứng trước cửa nhà tự hồi nào. Chị đưa tôi một cái gói to. Tôi hơi kinh ngạc, đừng nói lại nhận “quà Giáng Sinh” như năm ngoái nữa nha. Cu con thấy mẹ có hộp quà thì te te chạy ra ngõ đón. Ồ, ngạc nhiên chưa. N.V.T gửi tặng tôi chiếc móc khóa được khéo léo, tỉ mẩn kết từ những sợi ni lông... với dòng tin nhắn: “Chúc mẹ con cô mạnh khỏe, bình an! Nhất định em sẽ cố gắng để nhận được sự khoan hồng, để Giáng Sinh sang năm được quỳ dưới chân Chúa mà tạ tội - dù em là người ngoại đạo. Cảm ơn cô vì tất cả! Chúc Giáng sinh vui vẻ và Chúc mừng năm mới !!!”.
Tôi xúc động khi nhận được món quà ngoài tưởng tượng. Xin được hôn lên món quà bằng cả trái tim của một người biết lỗi. Cảm ơn cậu, một tù nhân đã dạy tôi biết sống yêu thương. Cảm ơn Giáng Sinh.
Gửi phản hồi
In bài viết