Sức hút mới từ âm nhạc hoài niệm

- Khi phần đông giới trẻ đang chạy đua theo những xu hướng âm nhạc hiện đại với những trào lưu, phong cách trẻ trung, sôi động như Rap, Hiphop… thì đâu đó vẫn có những khán giả trẻ lặng lẽ tìm về với những tình khúc, giai điệu xưa cũ. Không gian âm nhạc trữ tình xưa cũ vẫn bền bỉ “sống”, như một nốt lặng hoài niệm về một thời đã xa.

“Xin một vé đi về tuổi thơ”

“Những tiếng cười rộn vang khung trời/Rồi lúc dỗi hờn em lặng im không nói/Những tháng ngày hồn nhiên nô đùa/Tuổi thơ tuyệt vời người ơi...!” Lời bài hát Mãi mãi một tình yêu do ca sỹ Đan Trường được cất vang trong chương trình Quán thanh xuân trình chiếu trên VTV3 khiến khá giả 7x, 8x và đầu 9x như được sống lại không gian đầy hoài niệm. Đó là cảm xúc xao động, dịu dàng của năm tháng thanh xuân trở lại.

Gần đây, hàng loạt chương trình ký ức ra đời, được công chúng truyền hình đón nhận nồng nhiệt: “Ký ức vui vẻ”, “Quán thanh xuân”, “Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường”…

Chương trình Giai điệu tự hào của VTV3 không chỉ được khán giả U50 đến U80 yêu thích mà những người trẻ cũng như được tắm mát tâm hồn trong những ca khúc này. Qua những bản phối mới, “Giai điệu tự hào” tái dựng biểu tượng âm nhạc lớn của Việt Nam từ những năm tháng khói lửa.

Hàng năm, Chương trình đã gửi tới người thưởng thức hơn 200 ca khúc kinh điển được chọn lọc kỹ lưỡng theo từng chủ đề đã được phối lại một cách mới mẻ. Tuy nhiên vẫn mang hơi thở của thời đại để vừa gợi lại những ký ức của các thế hệ đi trước, lại vừa chạm tới trái tim những người trẻ tuổi hôm nay. Điển hình như những ca khúc gắn bó với tên tuổi nhạc sĩ Văn Cao như Buồn tàn thu, Đàn chim Việt, Bến xuân, Tiến Quân ca, Trường ca sông Lô,… đến một phần âm nhạc của Phạm Duy sau khi rời miền Bắc như: Tình ca, Anh sẽ đưa em về...

 Chương trình “Cassette hoài niệm” trình chiếu trên VTV3 hội tụ những bài hát xưa cũ.

Tại Tuyên Quang, khá nhiều người trẻ yêu thích dòng nhạc hoài niệm xưa cũ này. Bạn Đỗ Lê Hà, tổ 6, phường Phan Thiết là một bạn trẻ đam mê âm nhạc. Hà chia sẻ: “Mỗi thể loại sẽ có một cái đẹp riêng. Và cái đẹp của tình ca xưa cũ theo em nằm ở phần lời bài hát nhiều hơn. Ca từ có gì đó ẩn dụ, khó tả, chứ không bộc lộ tâm tư rõ ràng như nhạc trẻ bây giờ”.

Ca sỹ trẻ Duy Đức, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh nói rằng: “Mình đã nghe rất nhiều bản tình ca và thích nhất những sáng tác của hai nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Phạm Đình Chương. Những ca khúc đi vào lòng người như: Tuổi 13, Em về mùa thu, Giọt nước mắt ngà, Niệm khúc cuối, Mắt biếc, Tình khúc buồn, Tình khúc tháng 6, Áo lụa Hà Đông, Nỗi đau muộn màng... của Ngô Thụy Miên được mình thuộc một cách nằm lòng. Mỗi thế hệ có một hơi thở âm nhạc khác nhau, nhưng mình vẫn thấy ở đâu đó thế hệ này có cái chất lãng đãng, ca từ hay, đẹp và chân thật”.

Lý giải cho sự trở lại dòng âm nhạc hoài cổ này, nhạc sỹ Trần Quang Thủy, hội viên Chi hội Âm nhạc Tuyên Quang chia sẻ, ai cũng có một miền ký ức mà đến độ tuổi nào đó cũng muốn tìm về. Không nằm ngoài xu hướng đó dòng nhạc cách mạng, nhạc bolero khi xuất hiện diện mạo mới luôn được sự đón nhận của người nghe. Với sự phát triển sôi động của thị trường âm nhạc, âm nhạc hoài niệm xưa cũ vẫn luôn có một lượng khán giả riêng. Do đó xu hướng âm nhạc này vẫn luôn được nhiều người ủng hộ.

Chất lượng vẫn là hàng đầu

Âm nhạc của hồi ức, hoài niệm giữa dòng chảy nhạc Việt hiện đại đang được nối dài, bởi dường như ai cũng có vùng ký ức đẹp gắn liền với chương trình âm nhạc. Nhạc sỹ 8x Nguyễn Văn Chung (Hà Nội) đã khẳng định: “âm nhạc hoài niệm không phải là cuộc dạo chơi hay mang tính trào lưu nhất thời. Bên cạnh việc tìm lại những ký ức đẹp cho thế hệ trước, thì đây còn là cơ hội định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ Việt Nam, trước những “nồi lẩu thập cẩm” ngoại lai”.

Với sự khốc liệt của thị trường âm nhạc, để dòng chảy âm nhạc hoài niệm có chỗ đứng riêng vững vàng, bên cạnh cách làm mới lạ của các ê kíp sáng tạo, các nghệ sĩ cũng phải tìm cách khoác lên diện mạo mới cho bản nhạc thật sự chất lượng, thông qua nhiều yếu tố, từ hòa âm phối khí, cách hát phù hợp với “gu” thẩm mỹ đương đại…

Nếu như trước đây bài hát Đêm nằm mơ phố, Nghi Văn và Thu Phương hát da diết, day dứt kiểu rất đời, rất thấm; Thùy Chi lại hát êm đềm, trong veo như câu chuyện của cô gái trẻ chưa trải đời; thì giọng hát Hà Anh Tuấn vừa buồn và mượt mà, trau chuốt, thể hiện nỗi nhớ thương nhưng không quá day dứt… điều này đã khiến khán giả vô cùng thích thú, cũng như tiếp cận được nhiều lứa tuổi khán giả hơn.

Anh Đào Duy Khánh, một người con Tuyên Quang hiện công tác tại Hà Nội thường xuyên biểu diễn ca khúc nhạc xưa theo phong cách acoustic tại các quán cà phê, phòng trà. Duy Khánh chia sẻ: “Không phải ai hát nhạc xưa cũng thành công, khi khá nhiều sản phẩm đã như “rơi tõm vào hư vô”, không để lại một chút dấu ấn.

Khán giả đã quen với các ca khúc cũ, nên khi làm lại phải luôn có tinh thần mới, nhưng phải thật sự tinh tế để cảm thụ và thể hiện. Bản thân tôi chỉ nghe lại bản các ca sĩ đi trước hát để cảm nhận giai điệu cho chính xác chứ cách hát phải khác nhau, phải có sự sáng tạo theo cách của mình”.

Có thể thấy, sản phẩm âm nhạc hoài niệm không chỉ làm sống lại ký ức đẹp một thời của công chúng còn được tắm mình trong không gian âm nhạc, đa dạng phong phú. Điều này đòi hỏi ê kíp sáng tạo và nghệ sĩ phải có chuyên môn âm nhạc vững vàng, “gu” thẩm mỹ tinh tế, sắc sảo để cho ra những sản phẩm có chất lượng từ âm nhạc hoài niệm.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục