Duyên nợ với ghi ta
Vy Quý Ngọc Tâm hẹn tôi ở một ngôi nhà nằm ven bờ sông Lô dọc con đường Ngô Quyền, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) nơi yên ả giống như nốt lặng giữa bản đàn nhiều thanh sắc của phố thị. Căn nhà nhỏ nơi nhiều học trò tìm đến để được thầy giáo Tâm dạy học ghi ta. Ngoài thời gian công tác tại trường THCS Thắng Quân (Yên Sơn), thầy Tâm sớm hôm miệt mài truyền lửa cho các học trò đến với bộ môn âm nhạc này. Thầy Tâm bảo, chắc chắn mỗi chúng ta từng nghe ở đâu đó rất nhiều lần rằng “nếu bạn làm những gì bạn yêu thích, bạn sẽ không bao giờ nghĩ là mình đang phải làm việc”. Tôi thích câu nói đó bởi với tôi ghi ta là tình yêu của cuộc đời. Và được sống lan tỏa tình yêu ấy đến cho mọi người, đó như là việc mỗi ngày tôi vừa được trao và vừa được nhận những món quà”.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Tâm đã bị lôi cuốn bởi âm nhạc, nhất là những âm thanh của tiếng đàn ghi ta. Bố của thầy Tâm cũng rất mê âm nhạc. Bản thân ông là người chơi đàn ghi ta khá điệu nghệ. Thầy Tâm trải lòng: “Bố tôi là người đầu tiên nhận ra khả năng âm nhạc ở tôi, tận tình dìu dắt tôi đi những bước cơ bản. Đồng thời cũng là người sớm hôm đưa đón động viên tôi theo học đàn ở Trung tâm Văn hóa, thể thao thanh thiếu nhi tỉnh”.
Năm lên 15 tuổi, trong một lần gặp gỡ, Tâm “lọt vào mắt xanh” của cố nhạc sỹ An Thuyên. Tâm được nhạc sỹ động viên và chàng trai trẻ đã quyết tâm thi đỗ vào Khoa Âm nhạc, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ở độ tuổi 16 cậu bé Tâm đã phải xa gia đình theo đuổi đam mê. Thời gian đầu với Tâm có chút quá tải khi ban ngày vừa phải học chuyên ngành, ban đêm lại xuống lớp học văn hóa cơ bản. Nhưng chỉ sau 1 thời gian ngắn, Tâm đã hoàn toàn thích nghi được với môi trường Quân đội.
Anh Vy Quý Ngọc Tâm.
Tâm cho biết ghi ta là nhạc cụ hội tụ nhiều kỹ thuật âm thanh nhất, nó vừa là bộ gõ vừa là đàn dây, vừa có thể thay tiếng sáo, tiếng đàn bầu nhưng cũng có thể là nhạc cụ duy nhất vừa nhạc đệm vừa solo. “Thế nên để chiếm lĩnh được ghi ta thì có lẽ phải học cả đời cũng không thể biết hết kỹ thuật của nó, vì thế người chơi ghi ta cần khổ luyện hàng ngày cũng như năng khiếu bẩm sinh”. Ý thức được điều đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai trẻ Vy Quý Ngọc Tâm luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện không biết mệt mỏi. Cậu trở thành học viên xuất sắc, dành được nhiều thành tích cao. Năm học 2005 - 2006, Tâm vinh dự là 1 trong 100 sinh viên tiêu biểu ở Hà Nội giành được học bổng do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao tặng. Cũng trong năm học đó, Tâm tiếp tục được nhận học bổng Vừ A Dính.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp với mong muốn được trở về quê nhà làm việc và cống hiến. Tâm bảo, ban đầu mình dự định vào làm Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh thế nhưng trên hành trình cuộc đời có rất nhiều ngã rẽ để bạn lựa chọn, tạo cho mình những dấu ấn. Mình đã bước sang ngã rẽ trong sự bất ngờ của nhiều người. Đó là trở thành thầy giáo dạy âm nhạc với mong muốn được truyền lửa tình yêu âm nhạc cho học trò, thế hệ trẻ hôm nay. Và với mình đó là một công việc mình vô cùng yêu thích, mỗi ngày làm bằng cả sự đam mê và trách nhiệm.
Hành trình tiếp lửa
Vy Quý Ngọc Tâm đến với ghi ta như là đến với tình yêu đích thực của cuộc đời. Anh thừa nhận, sao không mê nó được cơ chứ! Bởi sao chỉ có 6 dây thanh mảnh mai lại có thể ngân lên những hòa âm mê đắm lòng người đến vậy. Tại sao chỉ một cây ghi ta người ta có chơi được như một ban nhạc, có thể thay cả ca từ trong những nhạc phẩm của một nhạc sỹ tài hoa. Và không chỉ dạy kỹ thuật mà thầy là người luôn tạo được sức hút đặc biệt trong cách truyền lửa đến học trò.
Ban đầu thầy chỉ nhận kèm cặp vài người nhưng tiếng lành đồn xa, học trò tìm đến lớp học của thầy ngày một nhiều. Đa phần trong số đó đều là học sinh, sinh viên. Lịch dạy của thầy dày đặc từ sáng cho đến tận chiều tối. Không đếm được có bao nhiêu thế hệ học trò đã từ căn nhà nhỏ của thầy mà tỏa đi mọi miền. Có những gia đình, cả mẹ và con đều học thầy. Có những người đã thành danh trên con đường nghệ thuật.
Lớp học của thầy giáo Tâm.
Em Dương Trung Hải (TP Tuyên Quang) chia sẻ, may mắn của Hải là bắt đầu làm quen với bộ môn ghi ta thì được thầy Tâm chỉ bảo, dìu dắt. Nhiều năm học thầy và được thầy tiếp lửa em đã thi đỗ vào trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc. Hiện Hải theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp, Hải biết sáng tác và có lứa học trò riêng của mình.
Thầy Tâm luôn tạo ấn tượng khi nghĩ ra cách dạy riêng, vừa phù hợp với mình, vừa tạo sự thuận tiện tối đa cho học trò; giúp học trò dễ hiểu, dễ nhớ. Hai thầy trò ngồi đối diện nhau, trước mặt trò là một bản nhạc đã được biên soạn cẩn thận. Trên khuông nhạc, những nốt nhạc được mã hóa bằng những con số. Học trò được thầy hướng dẫn cách cầm đàn, cách sử dụng ngón tay rồi cách nhìn tài liệu với những con số.
Em Ngô Duy Phong, một học viên chia sẻ, tỷ mỉ là thế nhưng thầy luôn giữ một nguyên tắc đó là không trả bài cũ thành thạo thì không dạy bài mới. Biết thầy nghiêm nên không có trò nào dám lười học. Yêu nghề, tận tâm với nghề, gần 15 năm qua, chưa hôm nào học trò đến mà không gặp được thầy. Nhiều lần, các con khuyên thầy nên nghỉ dạy vài ngày để đi chơi nhưng thầy đều từ chối. Thầy sợ mất buổi học của học trò. Học phí ở đây cũng thấp hơn rất nhiều so với các nơi dạy đàn ghi ta khác. Thầy bảo: “Tôi lấy rẻ thôi để ai cũng có thể theo học”. Thậm chí có nhiều học trò đam mê ghi ta nhưng điều kiện hoàn cảnh khó khăn, thầy giáo Tâm dạy miễn phí một cách nhiệt tình. Các học trò yêu thầy, kính thầy có lẽ chính bởi vì tình yêu thương ấy.
Không chỉ dạy học, thầy Vy Quý Ngọc Tâm còn là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Ghi ta Tuyên Quang, Ban nhạc Tuyên Quang
Star, Tuyên Quang Fly… Thầy Tâm cũng là một trong những người năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Thầy Tâm bảo: “Mình thích nhất được biểu diễn ghi ta trên quê hương, sẻ chia tâm tư tiếng đàn cho khán giả gần xa cùng lắng nghe. Bởi âm nhạc là ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn, dẫn dắt mọi người đến gần nhau, yêu thương nhau và chân thành với nhau hơn. Đó là điều mình mong muốn để tất thảy ai cũng có thể đồng điệu để cảm nhận hết những điều tuyệt vời từ cuộc sống ý nghĩa này”.
Gửi phản hồi
In bài viết