Trần Công Khanh và “Đêm trăng sông Lô”

- Tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chàng trai Trần Công Khanh lựa chọn lên Tuyên Quang phát triển sự nghiệp. Từ miền non cao xứ Tuyên, đến miền quê nhà Thái Bình là cả một khoảng trời thân thương, ấm áp. Tất cả được người nhạc sỹ tài hoa lắng đọng, chắt lọc bằng thủ pháp nghệ thuật khéo léo pha trộn giữa dân ca đồng bằng và dân ca miền núi tạo nên những giai phẩm để đời.

“Đêm trăng sông Lô” là tuyển tập với gần 100 bài hát do ông sáng tác. Nhiều tác phẩm được các ca sỹ như NSƯT Quang Phát, Trọng Tấn, Anh Thơ… biểu diễn thành công.

Da diết với thành Tuyên

Nhạc sỹ Trần Công Khanh năm nay 87 tuổi, ngày ngày ông vẫn say đắm ngập tràn xúc cảm âm nhạc trong căn nhà nhỏ cùng chiếc đàn Piano. Đôi bàn tay điêu luyện đầy kỹ năng, ánh mắt, khuôn mặt tràn ngập phiêu diêu trong miền ký ức bình yên, dịu dàng thời trai trẻ. Nơi đó dẫu có những gian khó, sóng gió cuộc đời nhưng ông đã xây dựng tên tuổi, sự nghiệp và có một gia đình hạnh phúc. Nơi đó có những người bạn văn nghệ “đồng cam cộng khổ”, kỷ niệm vui buồn không bao giờ quên được.

Sinh năm 1935 tại tỉnh Thái Bình. Khi vừa 18 tuổi, ông rời quê hương tham gia kháng chiến chống Pháp rồi được phân công làm công tác tuyên truyền tại Tổng đội Thanh niên xung phong đóng tại Việt Bắc và tiếp tục góp sức xây dựng Đoàn văn công quân khu Tây Bắc.

Sau khi học xong tại Trường Âm nhạc Việt Nam, Trần Công Khanh được mời đến làm việc tại Sở Văn hóa - Thông tin Tuyên Quang. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông và một số văn nghệ sỹ của tỉnh được điều động vào miền Nam để phục vụ. Sau ngày giải phóng, ông lại về Tuyên Quang bắt nhịp với cuộc sống, với công việc và sự nghiệp sáng tác. Ông trở thành nhạc trưởng và Phó đoàn Văn công Tuyên Quang. Năm 1983, nhạc sỹ Trần Công Khanh vinh dự là một trong những người đầu tiên trở thành hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam tại Tuyên Quang.

Nhạc sỹ Trần Công Khanh vẫn đắm say với âm nhạc bên cây đàn Piano.

Nhạc sỹ Trần Công Khanh được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là người nhiệt tình, xởi lởi và khá dí dỏm. Nhà văn Trịnh Thanh Phong chia sẻ về kỷ niệm vui thể hiện sự lạc quan của người nhạc sỹ. Đó là trong một lần đoạt giải A với tác phẩm “Về Chiêm Hóa quê ta” tại cuộc thi sáng tác ca khúc âm nhạc do UBND huyện Chiêm Hóa tổ chức. Ông Khanh được tặng 1 con trâu, ông phải dắt bộ về thị xã để nuôi rồi bán đổi lấy chiếc đài cát sét phục vụ sáng tác. Thế nhưng chỉ 1 vài tháng sau kẻ gian đột nhập vào nhà trộm mất chiếc đài. Ông Khanh buồn và tiếc nhưng vẫn lạc quan tự động viên mình và mọi người. Ông bảo, mất cái này thì lại được cái khác, mình lại có động lực sáng tác những bài nhạc hay hơn.

Với sự thật thà chất phác ấy, ông Khanh luôn được anh em văn nghệ sỹ cũng như lãnh đạo tỉnh quý mến. Trong đó có đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Hoài Quang, đồng chí Hà Thị Khiết đều có bài thơ dành tặng nhạc sỹ. Đặc biệt, bài thơ lục bát “Lời ca tạm biệt” của đồng chí Hà Thị Khiết tặng ông khi ông chia tay về Thái Bình: “Vấn vương kẻ ở người đi/Chào thành Tuyên nhé ta về biển khơi/Thái Bình quê lúa người ơi/Mong sao gặp lại những người thành Tuyên”. Sau đó, tác phẩm cũng nhanh chóng được nhạc sỹ Trần Công Khanh phổ nhạc, thành bản Valse ngọt ngào, tha thiết tình người.

Giai điệu bình yên

Nhiều người nhận xét, tuyển tập ca khúc “Đêm trăng sông Lô” là sự nghiệp sáng tác của Trần Công Khanh. Và cũng là cuốn lịch sử Tuyên Quang một thời bằng âm nhạc, điểm tên các ca khúc ta thấy rõ điều đó. Về cuộc kháng chiến chống Mỹ có bài hát “Tuyên Quang lập chiến công đầu”; về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc có “Lời ca từ đỉnh đầu Tổ quốc”, “Trên tuyến đường Đồng Văn”, “Mở đường lên điểm tựa”, “Đường về Bắc Mê”... Cả đến những hoạt động kinh tế cũng được tác giả thể hiện bằng âm nhạc: “Vườn rừng bản làng em”, “Ngày hội hái chè”, “Hương thơm một vùng quê”...

Nhiều nhạc phẩm độc đáo ca ngợi vẻ đẹp con người và mảnh đất xứ Tuyên như: “Tân Trào quê hương ta”, “Đêm trăng sông Lô”, “Tiếng hát đôi bờ sông Lô”,  “Bài ca sông Gâm”, “Miền quê yêu dấu”, “Tình rừng”…

Trần Công Khanh được đánh giá là nhạc sỹ có trường cảm xúc rộng mở nhiều phía, nhiều chiều khi ông có thể phổ nhạc của rất nhiều nhà thơ. Nhìn vào tác giả phần lời thấy hội gần đủ gương mặt văn nghệ sỹ Tuyên Quang. Từ những nhà thơ quen thuộc: Trần Khoái, Trần Hoài Quang, Đoàn Thị Ký, Ngọc Hiệp, Phạm Văn Vui, Hoàng Định đến những tác giả ít xuất hiện: Tân Nguyễn, Lã Hồng Minh, Trần Phùng. Và có tác giả thơ in chỉ một lần:  Ma Quốc Thể và khá đông người viết văn xuôi: Đinh Công Diệp, Phù Ninh, Nguyễn Kim Chung, Nguyễn Đình Lãm…

Ở nhiều ca khúc, nhạc sỹ Trần Công Khanh đã khéo léo dùng những thủ pháp nghệ thuật trong âm nhạc hàn lâm để pha trộn giữa dân ca đồng bằng với những điệu dân ca miền núi. Tất cả được thể hiện một cách nhuần nhuyễn và tinh tế tạo ra những câu thơ cứ lung linh cùng với nhạc, nâng tầm nghệ thuật thi ca.

Ca khúc “Đêm trăng sông Lô” (thơ Trần Khoái) được phổ nhạc vào năm 1983 khi ấy Trần Công Khanh mua được một căn nhà nhìn ra sông Lô. Ông không giấu giếm chất hàn lâm khi viết ra những giai điệu buông nhẹ nhàng: “Anh nhớ về sông Lô mùa thu/Đêm sáng trăng chan hòa mặt nước”.

Quả thực, câu thơ Trần Khoái bỗng lung linh hơn bởi giai điệu Trần Công Khanh. Nhưng tinh tế hơn cả là người nhạc sỹ tài hoa này đã phát hiện ra cái nhịp sóng sông Lô rất riêng trong nét đảo phách thoảng nhẹ bâng khuâng. “Người xuống phà/nhường nhau/từng bước vai áo nào - cũng có trăng theo”.

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhận xét rằng: “Ở bài hát này nét đảo phách được phát triển liên tiếp suốt ca khúc khiến người nghe bồi hồi, thấm thía. Đây là đóng góp đích thực của Trần Công Khanh trong lịch sử hình thành và phát triển âm nhạc Việt Nam. Nếu ở Trường ca sông Lô, nhạc sỹ Văn Cao đã ra nhịp Bacarol Việt Nam bởi tiếng gõ cạnh thuyền đánh cá thì ở “Đêm trăng sông Lô” Trần Công Khanh phát hiện ra nhịp sóng của dòng sông mà trước và sau anh không ai phát hiện được. Chỉ cần Đêm trăng sông Lô, Trần Công Khanh đã có thể thanh thản vì đã dâng hiến cho quê hương thứ hai của mình một giai điệu gan ruột tận sâu đáy lòng”.

Theo dòng thời gian, nhiều nhạc phẩm của ông vẫn đọng mãi giá trị. Nhiều bài hát đã được phối khí, thu âm và được thể hiện từ những nghệ sỹ ưu tú, ca sỹ nổi tiếng, đăng tải trên Youtube . Điển hình như “Tân Trào quê hương ta” do ca sỹ Trọng Tấn biểu diễn, “Cát sỏi quê em” do Nghệ sỹ Ưu tú Quang Phát biểu diễn, “Vui mùa bông trắng” do Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Lâm biểu diễn, “Chiêm Hóa quê ta” do ca sỹ Thanh Tâm biểu diễn...

Hơn 30 năm gắn bó với Tuyên Quang và khi lựa chọn về hưu, chốn ngơi nghỉ là quê lúa Thái Bình, Trần Công Khanh luôn dành trọn tình cảm tha thiết với quê hương xứ Tuyên máu thịt. 

Có những chuyện tình không thể nói được bằng lời mà phải nói bằng cả đời người. Tình yêu của nhạc sỹ Trần Công Khanh với Tuyên Quang là như thế! Dù đã bao năm tháng xa cách nhưng ông vẫn luôn trọn một nỗi nhớ, một tình yêu dành cho quê hương thứ 2. Và những ca khúc ông dành cho xứ Tuyên vẫn ngân vang mãi nơi mảnh đất này.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục