Đời nặng phù sa

- Cơn cuồng nộ của bão số 3 (Yagi) đã quét qua Việt Nam trong 15 giờ, xé toạc hàng nghìn mái nhà, nhấn chìm nhiều vùng đất, gây nên những trận lở đất, lũ bùn vùi lấp nhiều nhà cửa, làng mạc… Khung cảnh tan hoang, những hình ảnh đau thương do cơn bão để lại cứ ám ảnh mãi trong tâm trí người dân đất Việt.

Dù bão đã đi qua, nhưng hậu quả của nó để lại quá lớn, không thể một sớm một chiều có thể khắc phục. Một ngôi làng dưới chân núi ngày nào còn vui nhộn tiếng cười, cây cối xanh tươi, nay chỉ còn bùn đất. Có bao nhiêu đồng bào bị vùi lấp dưới lớp sâu đất đá. Một ngôi trường không còn bàn ghế, bùn ngập ngang cửa sổ.

Hình ảnh những thầy cô giáo thất thần tìm kiếm trên bục giảng một chút hoài niệm về những ngày trên lớp mang con chữ đến với học sinh thân yêu. Sách vở, bút mực lem nhem bùn đất vương víu trên hàng rào sân trường. Tất cả thầy cô giáo đều òa khóc, xót xa không biết khi nào các em mới được đến trường? Nỗi đau không chỉ có thế. Những em bé mất cha mẹ, người thân ngơ ngác trong vô vọng. Chênh vênh trên nóc nhà để tránh lũ, người nông dân đau đớn nhìn làng mạc, đồng ruộng bị nhấn chìm. Rồi đây, mùa màng mất trắng, ruộng lúa, bãi ngô mướt mát ngày nào, giờ chỉ còn lại đất đá, kế sinh nhai là cả một bài toán khó…

Nhưng trong gian khổ, lúc hoạn nạn thương đau, người Việt Nam lại chung lòng sẻ chia, gom góp từng bát cơm, manh áo đùm bọc đồng bào, tình người ấm áp, yêu thương, nhóm lên ngọn lửa sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. Hàng trăm chuyến xe cứu trợ hàng hóa bất chấp khó nhọc vượt những cung đường lầy lội đến với đồng bào vùng lũ. Hình ảnh một doanh nhân trẻ lặn lội khắp vùng chở những téc nước sạch của gia đình chia cho người dân bị ngập lụt. Nhóm thanh niên tự nguyện chia nhau lội qua vùng nước ngập sâu mang từng chai nước, gói mì để bà con ăn tạm lúc đói lòng mà thấy vô cùng ấm áp…

Gió mưa là việc của trời, chúng ta không có sự lựa chọn. Cách chúng ta ứng xử với thiên nhiên là một phần quan trọng của cuộc sống. Tôi lại nhớ những ngày xưa mỗi mùa mưa bão, rặng tre, bờ bụi ven sông như bức tường che chắn cho làng quê yên bình. Qua mỗi mùa lũ, những bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa lại cho làng một mùa bội thu.

Những con sông, con suối hiền hòa là nguồn sống, cung cấp nước cho mùa màng. Trải qua hàng ngàn năm, những hạt phù sa âm thầm tạo nên những bãi bồi, đồng ruộng phì nhiêu. Bao đời nay, ông cha ta đã dầy công đội gió, gom mưa, vượt lũ làm nên những làng quê thanh bình và sung túc. Bao công sức đắp bờ, đào mương tạo nên những cánh đồng tươi tốt lúa ngô. Cuộc sống cứ thế mà sinh sôi, đời này qua đời khác. Cũng như cuộc đời con người, làng quê, cánh đồng luôn phải chịu sự chi phối của trời, của gió, của mưa. Những năm mưa thuận, gió hòa, công sức của người bỏ ra được bù đắp bằng mùa màng bội thu. 

Ngày nay, cuộc sống hối hả, của cải đã nhiều khôn kể. Nhưng thiên tai bão lũ cũng ngày càng khó lường. Bao đồng đất màu mỡ bởi những hạt phù sa đang ngày càng bị thu hẹp. Những rừng cây, đồi cọ, rặng tre từng ngày được thay thế bằng những công trình sắt thép, xi măng. Sự tiến hóa là một quá trình phát triển. Đôi khi ta đánh đổi những hạt phù sa màu mỡ để rồi sông suối cạn khô. Quá khứ là một bài học. Tương lai là sự chờ đợi, là điều mong ước mà chỉ có được khi ta biết gìn giữ nó ngay từ bây giờ. Cũng như hạt phù sa nặng lòng với đất, với người, vun trồng cho sự sống sinh sôi. 

Cuộc sống không chỉ cần nhiều của cải, mà hơn cả là sự bình yên và đầy ắp tình người.

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục