Giai điệu hạnh phúc

- Đã thành thói quen, đêm nào trước khi ngủ, bà cũng bật chiếc radio ở đầu giường. Tiếng Páo dung dìu dặt vang lên như lời thủ thỉ của núi rừng. Lần nào nghe giai điệu ấy, bà cũng thổn thức. Lồng ngực bà bỗng nhiên đập thình thịch, gò má nóng ran. Thời thiếu nữ đầy tươi đẹp lại ùa về…

Ngày ấy bà không thuộc diện xinh đẹp nhất làng nhưng lại được trai làng để ý vì giọng hát lảnh lót như chim rừng. Bà nhớ, nhiều chàng trai làng bên cả tuần đến chỉ để hát giao duyên, để được đối đáp cùng bà. Họ hát thâu đêm, suốt sáng, càng hát càng say…

Ngày ấy, Páo dung là hơi thở, là cuộc sống. Ai nghe cũng thấy tinh thần phấn chấn. Ai hát cũng thấy tâm hồn bay bổng, phiêu diêu, tự tại, như thể cuộc sống này chỉ Páo dung là đủ. Bao trai gái thành đôi cũng từ câu hát Páo dung. Họ hát cũng là để tìm hiểu nhau, để xem tình chàng, ý nàng… Làn điệu Páo dung cứ dày lên trong sự thăng hoa của cảm xúc.

Bà nhìn ra cửa sổ. Bầu trời hôm nay đầy sao. Các bà ngày xưa chỉ mong đêm nào cũng có sao, có trăng để đi được đi hát, đi hẹn hò… Nhưng nay, bầu trời vẫn tươi đẹp nhưng tiếng Páo dung sao lại xa vắng thế. Lâu lắm rồi bà không được nghe ai đó trong làng hát Páo dung. Bà già rồi, dù muốn hát nhưng không thể cất được giọng nữa. Bọn trẻ thì mải theo những thứ nhạc sập sình mà bà nghe chỉ thấy đau đầu.

Con cháu bảo, bà là người cổ. Đúng thôi. Nhưng bọn nó đâu hiểu rằng, tiếng Páo dung ấy đã tắm mát một thời thanh xuân của biết bao thế hệ. Lại càng không hiểu ẩn ý đầy tính nhân văn trong ca từ của Páo dung. Rằng đã là con gái thì phải biết thêu thùa, may vá, biết lên nương, làm rẫy; rằng đã yêu nhau thì trọn đời thủy chung, không được nghĩ đến người khác; chàng trai phải là cái cột để người phụ nữ có thể dựa vào cả đời…

Ngày nay, triết lý giáo dục đúng là phong phú. Nhưng bà vẫn thích cách giáo dục ý nhị mà sâu cay trong làn điệu Páo dung. Lời răn cứ nhẹ nhàng, lan tỏa, rồi ăn sâu vào tiềm thức, trở thành triết lý sống cao đẹp. Không hình phạt, không trách cứ, nhưng ai cũng tự khắc thực hiện bổn phận và trách nhiệm như một quy tắc bất di bất dịch. Bởi thế mà người con gái dân tộc luôn một lòng thủy chung, tần tảo, chăm sóc chồng, con. Bà cũng thế, từ ngày lấy chồng cũng chỉ quanh năm với bắp ngô, với con trâu, còn gà,… Đến giờ thì cơm nước cho chồng, con. Họ bảo, phụ nữ như vậy là vất vả, là thiệt thòi. Nhưng bà không thấy vậy. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Hạnh phúc. Mọi người cứ tìm kiếm ở đâu rồi cứ hoài chạy theo. Bà sống gần hết quãng đời lại thấy, hạnh phúc ở trong chính căn nhà đơn sơ. Nơi bà vẫn ngày ngày cùng chồng nghe radio hát Páo dung vào buổi đêm, cùng con, cháu sum vầy bên những bữa cơm đạm bạc. Hạnh phúc đơn giản là được sống với những người yêu thương.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục