Đất trời chuyển mùa đem theo những cơn mưa cuối chiều và về đêm nhiều hơn. Dẫu vẫn còn cái nắng hơi nồng của tháng tám, nhưng vẫn nhận ra những bước chân dịu dàng của mùa thu. Những cơn gió dịu mát đang mang mùa thu trở về.
Mùa thu nhắc tôi nhớ đến những chiếc đèn ông sao ngày nhỏ mẹ mua cho để rước trong đêm hội trăng rằm. Chúng dường như là hình ảnh in sâu trong ký ức mỗi người gọi về tuổi thơ.
Ngắm nhìn bầu trời xanh lồng lộng chợt thấy mình bâng khuâng. Lại thức dậy trong tôi ký ức tuổi thơ trong bóng dáng đứa trẻ chơi nhảy lò cò, nhảy dây, chơi ô ăn quan dưới ánh trăng vàng vằng vặc. Ngày nhỏ, mỗi dịp trung thu về, bọn trẻ chúng tôi thường dành thời gian làm đèn ông sao, xâu hạt bưởi trước đêm rằm cả tháng. Chúng tôi tích cóp hạt bưởi, xâu thành từng chuỗi phơi khô háo hức chờ đợi đến đêm rằm.
Đêm trung thu khi chuỗi đèn hạt bưởi cháy sáng, hương thơm dễ chịu từ hạt bưởi tỏa ra hòa quyện với tiếng nổ lách tách của hạt bưởi khô làm cho bầu không khí đêm rằm thêm lung linh huyền ảo. Các anh chị lớn hơn chúng tôi một chút thì tìm nhặt vỏ lon bia khéo léo lấy thước kẻ, bút, kéo để cắt tạo hình thành từng sợi nan của chiếc đèn lồng. Đêm trung thu chúng tôi thắp thêm một cây nến nhỏ trong đèn. Ánh đèn lồng hắt ra lung linh như cổ tích. Bọn trẻ chúng tôi rước đèn quanh ngõ cười khúc khích. Trăng như cũng muốn cúi xuống gần hơn.
Vậy mà cũng đã qua bao mùa trung thu, đến giờ tôi vẫn nhớ tiếng nổ lách tách tỏa mùi thơm từ hạt bưởi. Nhớ mùi thơm dìu dịu của những tép bưởi chua man mát, mùi nồng của những quả hồng đỏ mọng cùng vị ngọt ngào của những miếng bánh dẻo, bánh nướng đêm trung thu.
Lại mấy đứa trẻ gọi nhau í ới đi xem làm đèn trung thu. Con ngõ nhỏ khu phố tôi nằm lắng mình giữa tất bật ồn ào phố thị. Mấy ngày nay náo nhiệt, mọi người tất bật với việc chuẩn bị làm đèn lồng trung thu.
Mấy năm gần đây, thành phố tổ chức lễ hội trung thu lớn nhất nên năm nào khu phố tôi cũng làm đèn lồng trung thu từ rất sớm. Từ việc lên kế hoạch, quyên góp tiền để làm đèn trung thu đến tổ chức trung thu cho các cháu được bàn bạc cụ thể. Các cụ già thì bảo, để tuổi ấu thơ của tụi nhỏ vẫn có thể đủ đầy khung trời trong veo đáng nhớ, ngập tràn ký ức về tết trung thu.
Cả ngõ phố rộn rịp. Từ sáng đến tối ngõ phố lúc nào cũng ríu rít, rôm rả tiếng cười nói. Mọi người thay phiên nhau, mỗi người mỗi việc, ai nấy đều tự giác và hồ hởi làm. Rồi hình hài những con giống cũng dần hiện ra qua những đôi bàn tay khéo léo của người làm.
Bọn trẻ thì háo hức, vì rằm trung thu còn được mẹ mua cho những bộ quần áo mới, cẩn thận đem giặt phơi. Trung thu phải có áo mới thơm mùi nắng, để đêm trung thu mặc áo mới kiêu hãnh tung tăng dưới ánh trăng. Được rước đèn trung thu đi khắp các ngả đường phố, thật náo nhiệt.
Trung thu ngõ phố tôi năm nào cũng náo nhiệt. Các loại đèn lồng được treo lên, từ người già đến trẻ nhỏ trong khu phố mọi người đều quây quần bên mâm cỗ vừa liên hoan vừa chuyện trò hỏi thăm nhau, đượm tình làng nghĩa xóm. Bọn trẻ ánh mắt trong veo háo hức chờ đợi để được nhận quà, được phá cỗ dưới ánh trăng vằng vặc. Ngõ phố trở nên huyền ảo, lung linh qua ánh đèn lồng. Bọn trẻ được rước đèn, phá cỗ. Người lớn thì có dịp để hàn huyên chuyện ngày xưa, ngày nay.
Ánh sáng lấp lánh từ những chiếc đèn ông sao trên tay bọn trẻ, hòa cùng ánh trăng làm cho ngõ phố trở nên lung linh, rực rỡ. Tiếng trống rộn rã, tiếng cười nói xôn xao. Càng về khuya, ông trăng tròn càng sáng tỏ cùng chung niềm vui với lũ trẻ. Không khí tết trung thu thật rộn ràng. Tham gia rước đèn không chỉ có bọn trẻ mà cả ông bà, bố mẹ và các em nhỏ còn phải bế trên tay cũng hòa chung niềm vui ấy.
Trung thu ngõ nhỏ khu phố tôi đã trở thành ngày tết đoàn viên của cả khu phố. Nó nhắc nhở mỗi người bài học về sự quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Đôi khi người ta học được những thương yêu từ những việc làm đời thường như vậy.
Gửi phản hồi
In bài viết