Hễ có cơ hội là tôi mon men đến thật gần để ngắm nghía cho thỏa trí tò mò. Tôi cứ thắc mắc làm thế nào để mua được những thứ đó. Nghe vậy, mẹ tôi bảo, đó là những tấm huân chương cao quý Nhà nước tặng cho những ai có nhiều công trạng, đóng góp trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Con hãy cố gắng học giỏi, sau này lớn lên noi theo các bác, các chú đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc. Dù không hiểu hết ý nghĩa những điều Mẹ nói, nhưng tôi cảm thấy một điều gì đó thôi thúc trong lòng mình…
Bố tôi là cán bộ xã, thường hay vắng nhà. Mẹ bảo bố con đang cùng dân công ngày đêm xây đập thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, để có nhiều thóc lúa gửi ra tiền tuyến cho bộ đội ăn no, đánh giặc. Một lần Mẹ tiết lộ rằng, Bố cũng từng được tặng những tấm Huân chương khi còn là bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Lần đầu tiên nghe Mẹ nói vậy, tôi vui lắm. Nhưng cứ thắc mắc, tại sao không thấy Bố đeo huân chương bao giờ. Từ hôm đó, tôi tò mò và bí mật tìm xem những tấm huân chương Bố cất ở đâu.
Chờ khi Mẹ đi làm đồng vắng nhà, tôi quyết định khám phá căn buồng nhỏ của gia đình. Phía cuối giường có một chiếc hòm gỗ xoan bố tự đóng. Hôm ấy, Mẹ quên không khóa chiếc hòm gỗ, nên tôi quyết định trộm mở chiếc hòm gỗ của Bố. Lật tìm một lúc, tôi thấy một chiếc túi bạt nhỏ đã sờn rách vài chỗ cất dưới đáy hòm. Tôi hồi hộp mở chiếc túi ra, bên trong có một gói nhỏ, bọc bên ngoài là mảnh áo mưa màu xanh lá. Khi mở mảnh áo mưa ra, tôi thật sự choáng ngợp, không chỉ một mà là ba, bốn tấm huân chương sáng lấp lánh. Trong đó có Huân Chương chiến công, Huân chương Kháng chiến, Huy Chương Chiến sỹ vẻ vang… Tất cả đều rất mới. Tôi ngắm nghía hồi lâu, rồi lặng lẽ gói ghém lại cẩn thận như cũ.
Trong lòng tôi vui sướng vô cùng. Nhưng sợ bị Mẹ mắng nên không dám thổ lộ với ai… Rồi thời gian trôi đi rất nhanh, mấy anh em tôi cũng đã lớn. Tết đầu tiên đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, làng tôi vô cùng vui mừng đón những người chiến sỹ giải phóng miền Nam về quê với chiếc Huy hiệu Giải phóng nửa xanh nửa đỏ đeo trên ngực áo màu xanh lá. Mấy bác trong làng cũng đeo những tấm huân chương sáng lấp lánh trên ngực.
Đêm giao thừa, tôi thức rất khuya cùng Mẹ nấu bánh chưng, sửa soạn mâm cỗ cúng tổ tiên, các vị thần linh, thổ địa. Bên bếp lửa ấm êm cùng cha mẹ, tôi mạnh dạn hỏi: Bố ơi, sao con không thấy Bố đeo huân chương bao giờ? Bố cười rất tươi, rồi quàng tay lên vai tôi và bảo, huân chương của bố đây. Mẹ và các con đều là huân chương của bố. Bố rất biết ơn mẹ con đã thay bố đảm đang việc nhà, nuôi dạy các con khôn lớn như hôm nay, là phần thưởng rất lớn của bố rồi. Mẹ con mới là người xứng đáng được tặng huân chương.
Thấm thoát đã mấy chục năm, tôi cũng từng trải qua đời quân ngũ, cũng được tặng Huân chương, nhiều Kỷ niệm chương. Nhưng thú thật, mỗi lần mặc quân phục vào dịp kỷ niệm, hay tham gia các cuộc gặp mặt Cựu chiến binh, đeo tấm Huân chương, Huy hiệu CCB, hay Kỷ niệm chương trên ngực áo, tôi cảm thấy rất ngượng. Công trạng của mình vô cùng nhỏ bé so với Bố và các bậc cha anh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Vậy mà, Bố chưa bao giờ khoe những tấm Huân chương cao quý ấy.
Giờ đây Bố đã đi xa, những tấm Huân chương của Bố tôi gói ghém bảo quản trong một chiếc hộp kim loại rất đẹp. Mỗi dịp giỗ Bố, thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên, tôi thầm hứa với Bố rằng, con sẽ xứng đáng là tấm Huân chương của Bố.
Gửi phản hồi
In bài viết