Chiếc túi thêu của bà

- Mặc bộ trang phục quần áo dân tộc lên người cho con gái, tôi cứ ngắm nghía mãi. Vuốt ve từng đường thêu trên vạt áo, lòng tôi rộn lên cảm xúc khó tả. Đường thêu này tôi đã nhìn thấy và ấn tượng từ tấm bé bởi màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Ấy thế, mà để thêu thuần thục, bà tôi đã phải qua bao mùa rẫy để truyền dạy.

Mọi thứ bắt đầu từ chiếc túi thêu của bà. Bé tí mà như có phép thuật. Ngày bé, tôi cứ gọi chiếc túi thêu ấy là chiếc túi phù thủy. Bởi đi đâu bà cũng mang theo. Lúc ở nhà bà mang ra thêu. Lên nương bà đeo trên vai để lúc nghỉ ngơi bà tranh thủ thêu. Nó chỉ nhỏ như chiếc túi xách thời thượng của các bà, các chị bây giờ nhưng chứa đựng trong đó cả kho tàng văn hóa của người Dao.

Ngày ấy, chừng hơn 30 năm về trước. Cứ sáng sớm, vừa mở mắt dậy tôi đã thấy bóng bà bên bậc cửa. Là nhà đất, không có bức tường ngăn giữa các gian nên tôi nhìn rõ bàn tay ngoại thoăn thoắt đưa từng đường kim mũi chỉ. Nhưng cái mà khiến đứa trẻ lên 5 - 6 tuổi như tôi qua cơn ngái ngủ chính là màu đỏ rực rỡ. Cứ thế, màu đỏ ấy như mê hoặc, dẫn dụ tôi nhanh chóng ra khỏi giường, lẫm chẫm bước từng bước về phía có màu sắc nổi bật ấy. Rồi tôi đưa tay vuốt ve sợi chỉ xanh, đỏ, vàng, giơ chúng lên ngắm nghía với vẻ thích thú. Tôi còn lục lọi mọi thứ trong chiếc túi thần kỳ ấy trong sự tò mò của đứa trẻ. Nào kim, nào chỉ, nào vải... tôi bày hết cả ra nền đất. Bà xoa đầu tôi rồi lại cẩn thận cất từng thứ vào túi thêu.

Chưa bao giờ tôi thấy bà khó chịu về hành động của tôi. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, đứa trẻ vùng cao đều thế. Những hành động vô thức ấy theo thời gian sẽ ăn sâu vào tâm trí đứa trẻ, để chúng nhận biết được màu sắc và những thứ gắn liền với đời sống sinh hoạt của người vùng cao như trang phục truyền thống, nghề thêu... Tôi, đứa trẻ ấy sau bao lần nghịch ngợm bị kim đâm vào đầu ngón tay rỉ máu thì cũng biết cầm kim, rồi biết thêu. Nhưng thêu sao cho đẹp, cho đều, cho sinh động thì là cả một câu chuyện dài về lịch sử, về văn hóa mà lớn lên, càng tìm hiểu tôi càng mê, càng say.

Nhìn những họa tiết bà thêu, tôi hỏi: Bà ơi, đây là cái gì đấy? Sao con thấy nó vừa giống hoa, vừa giống lá? Bà bảo, đúng rồi, đó là cây hoa dại trên rừng bà vẫn thấy khi đi nương. Đó là cái lá của cây cổ thụ nghìn năm tuổi đầu làng. Thế còn hình kia, sao giống cái quả con vẫn ăn thế? À, đây là quả trám các cháu vẫn nhặt về ăn đấy. Vẻ mặt ngơ ngác của tôi bỗng chốc biến thành những nụ cười tươi rói nhờ cách giải thích dễ hiểu của bà. Hơn hết, bà chưa bao giờ bảo tôi sai, mỗi câu hỏi như có đáp án của tôi đều đúng. Đúng trong sự tưởng tượng của trẻ nhỏ.

Mỗi lần tôi thêu được một hình gì đó, bà đều khen đẹp. Có hôm cả buổi, tôi làm rối tung cuộn chỉ thêu vậy mà bà vẫn hì hụi dỡ từng mối rối rồi cuộn lại. Ngày biết tôi sẽ vào học trường nội trú huyện, bà cặm cụi thức khuya, dậy sớm thêu trang phục dân tộc cho tôi. Đầu ngón tay chỏ của bà hằn vết chai sần. Chiếc kính bà đeo cũng dầy thêm. Cầm đôi bàn tay thô ráp ấy, tôi bảo: Bà để cháu làm cho, cháu cũng biết thêu rồi mà. Bà bảo, bà muốn tự tay hoàn thiện bộ quần áo này để tặng cháu. Hôm đưa tôi nhập học, bà cũng tự tay mặc cho tôi bộ quần áo dân tộc Dao và dặn: Con nhớ giữ gìn cẩn thận. Đây là niềm tự hào của dân tộc mình đấy.

Sau này, vào trường nội trú, nhìn các bạn cũng mặc trang phục người Mông, người Tày, người Dao..., tôi vô cùng thích thú. Rồi có lần, có đoàn nhà báo về trường, tôi được chọn mặc trang phục để chụp ảnh, để quay phim. Thích nhất khi thấy ảnh của mình trên báo, tôi chạy một mạch về nhà khoe bà. Bà cười rạng rỡ rồi khen: Cháu gái của bà giỏi quá. Nhìn túi thêu của bà tôi rụt rè hỏi: Bà ơi, cháu cũng muốn có một chiếc túi thêu như của bà. Bà xoa đầu tôi rồi bảo: Nếu cháu thích thì cầm luôn túi thêu của bà. Sau giây phút ngần ngừ tôi gật đầu rồi ôm bà và bảo: Cháu sẽ mang túi thêu này đến trường như một kỷ vật linh thiêng của bà. Để khi nhớ bà cháu sẽ mang ra thêu. Và cháu hứa, sẽ tự tay làm ra những bộ trang phục dân tộc của mình. Bộ đầu tiên, cháu sẽ tặng bà. Bà chờ cháu nhé.

Thời gian trôi đi, tôi đã trưởng thành và đi công tác xa quê hương. Căn nhà tôi ở không phải là nhà đất truyền thống của người Dao Đỏ nhưng trong tôi luôn dành một góc nhỏ đặt một chiếc máy khâu và chiếc bàn nhỏ để thêu trang phục vào lúc rảnh rỗi. Chiếc túi thêu bà tặng ngày nào vẫn còn đó với lỉnh kỉnh những đồ thêu: nào kim, nào chỉ, nào vải...

Ngay cả bộ quần áo đầu tiên tôi mặc khi đến trường giờ vẫn được treo ngay ngắn trên tường. Còn bà, mỗi khi đến thăm tôi đều mặc bộ quần áo tôi tặng với những đường thêu ngệch ngoạc, vụng về mà tôi tặng bà ngày mới học nghề. Nhưng bà bảo, đó là bộ quần áo đẹp nhất trong cuộc đời bà. Tôi tin thế và thầm hứa sẽ cùng cộng đồng người Dao gìn giữ để trang phục truyền thống của người Dao Đỏ sống mãi trong cộng đồng như một báu vật của cha ông.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục