Đến khi đi học, tôi được cô giáo dạy rằng, Quốc khánh 2/9 là ngày sinh của đất nước, ngày cả dân tộc ta giành được độc lập tự do, là ngày Tết Độc lập. Khi ấy, tôi cũng chỉ hiểu ngày này là một ngày lễ lớn, học sinh được nghỉ học, người lớn được nghỉ làm, cả làng xóm treo cờ, hân hoan chào mừng.
Hồi chiến tranh chống đế quốc Mỹ, rồi sau này cả thời bao cấp, có hai cái Tết hấp dẫn với bọn trẻ chúng tôi nhất. Trước hết là Tết Nguyên đán, rồi sau nữa là Tết Độc lập. Đơn giản vì hai cái Tết ấy, cả nhà được sum họp đầy đủ, được ăn cơm có thịt. Hồi đó, ở nông thôn quê tôi, ngày Tết Độc lập hợp tác xã thường tổ chức mổ trâu, lấy thịt chia theo nhân khẩu. Bọn trẻ chúng tôi thì hồ hởi, vì lâu lắm rồi mới được ăn cơm có thịt.
Với mấy chị em tôi những bữa cơm ngày Tết Độc lập cũng là bữa cơm sum họp của gia đình. Vì cha tôi công tác xa nhà, chỉ dịp Tết Nguyên đán và Tết Độc lập cha mới được nghỉ, được về nhà. (Cũng có năm Tết Độc lập cha không được nghỉ). Những bữa cơm ngày Tết Độc lập của gia đình tôi tuy thức ăn chẳng có gì nhiều, nhưng sao mà vui vẻ, đầm ấm. Cái tình gia đình, cái tình đất nước, quê hương cùng hòa quyện, sâu đậm trong ký ức tuổi thơ tôi.
Sau này, khi đã lớn hơn, tôi hiểu rằng, để có được ngày Tết Độc lập, thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng biết bao máu xương, mồ hôi và trí lực... Qua những bài học lịch sử ở trường, qua những thước phim lịch sử được xem, trong tôi luôn trào dâng những cảm xúc, bồi hồi mỗi khi cả nước tưng bừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Nhìn thấy nhà ai cũng tung bay cờ đỏ sao vàng, từ hẻm nhỏ đến phố lớn ngập trong sắc cờ, hoa, biểu ngữ… tôi không quên được cảm xúc của mình mỗi khi hát theo bản quốc ca trầm hùng vang dội và nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay. Tôi tin là mỗi người con nước Việt đứng dưới cờ Tổ quốc đều có chung cảm xúc như tôi, đó là niềm tự hào dân tộc.
Khi đã trưởng thành đi làm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, nghề nghiệp cho tôi cơ hội may mắn được đi nhiều, nghe nhiều, được gặp gỡ các nhân vật lịch sử, những con người đã trải qua thăng trầm của đất nước… Tôi được lắng lại để chiêm nghiệm, thấm thía về những giá trị thiêng liêng của từ “độc lập”, càng xúc động, tự hào về Ngày Quốc khánh. Xúc động, tự hào vì đất nước qua bao gian khó vẫn quật cường vươn lên, kinh tế phát triển, đời sống mọi người ấm no, hạnh phúc hơn.
Quả thực, Tết Độc lập trong tôi, và hẳn là trong lòng mọi người khác nữa vẫn luôn sống động, gần gũi và đã trở thành nét văn hóa thường niên, nhắc nhở thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc; nhắc nhở chúng ta về những giá trị cao quý, thiêng liêng về chủ quyền, về lãnh thổ đất nước. Chúng ta càng tự hào về thế hệ cha ông đi trước, về Bác Hồ vĩ đại - những người đã mang lại hòa bình, độc lập một cái tết đặc biệt cho cả dân tộc Việt Nam anh hùng.
Gửi phản hồi
In bài viết