Tôi nhìn ra tháng Sáu từ khung cửa gỗ đã được làm từ một phần tư thế kỷ. Ngày trước, ở bên khung cửa có cái bàn học, một bình hoa giả và bức rèm chị tôi tự tay làm. Cả nhà có mình tôi còn đi học nên mọi người nhường cho cậu út nơi có ánh sáng tự nhiên nhất để học bài. Có lần, tôi bắt gặp chị tôi đọc sách dưới gian bếp. “Sao chị lại đọc sách trong chỗ tối”. Chị tôi giật mình ngước lên nhìn tôi, một thoáng trìu mến lóe lên trong đôi mắt chị rồi chị cười: “À, chị đang nấu tiện đọc luôn, em học bài xong chưa?”.
Chị nói thế nhưng tôi biết chị đang nhường tôi. Học hết cấp II chị phải đi làm để phụ bố mẹ lo toan cho gia đình. Từ khung cửa ấy chiều chiều, tôi thấy chị đã khác đi, đã lớn thêm. Cô thiếu nữ gầy guộc, ngu ngơ ngày nào vừa rời ghế nhà trường giờ đã thành cô công nhân cứng cỏi. Chị lúc ca sớm, khi ca chiều, cái cặp lồng cơm lách cách trong giỏ xe. Chiếc xe khung nam cao, chị đi mãi cũng thuần thục như người ta thu phục chú ngựa bất kham. Tôi biết chân chị có bao vết thâm tím, lên sẹo bởi bấy nhiêu lần ngã xe. Nhìn người chị ở cái tuổi yểu điệu lại phải mạnh mẽ như một chàng trai, mẹ tôi bảo thấy tội cho con gái quá. Mẹ thương chị đã phải mạnh mẽ hơn những gì mà một người con gái không đáng phải vượt quá…
Tôi cứ thế nhận thứ ánh nắng cuối ngày để học bởi đêm xuống bóng đèn điện đỏ quạch và lịch cắt điện thất thường. Nhiều hôm thắp đèn học, nhìn ánh sáng hắt ra con ngõ, tôi bắt gặp ánh mắt của những đứa trẻ đi ngoài ngõ nhìn vào thèm muốn. Sau này tôi nghe kể, đêm đến, tụi nó hoặc phải nghe lời bố mẹ tắt đèn ngủ sớm, hoặc thức đến khuya đan lát, dán hộp giấy để có thêm một khoản giúp gia đình. Khi người cha, người mẹ không cố giữ được ngọn đèn, làm sao còn le lói hy vọng cho con cái trong những đêm ở những vùng quê còn đói nghèo như thế này.
Một ngày, tôi nhìn thấy mưa rơi ngoài khung cửa thật buồn. Sao hôm nay mưa buồn đến thế dẫu vẫn là những giọt ngắn, giọt dài, lăn trên lá và chấm dưới mái hiên từng lỗ thủng như mũi khoan vô hình. Hay, chính tôi mới khác đi nên nhìn đâu cũng thấy ảo não. Nhớ có lần nghe tôi hỏi: “Làm người lớn sẽ thế nào hả chị?”. Chị cười và bảo: “Sẽ đến lúc thấy cô đơn và thiếu ai đó thì như mình vừa đánh mất cả thế gian này”. Giờ đây, tôi từ khung cửa xưa cũ nhìn ra thấy ai cũng vội, ai cũng vui và may mắn hơn mình. Hình như mọi người cũng đi về phía hạnh phúc, chỉ mình tôi ở lại với thăm thẳm buồn phiền.
Thế rồi một sáng, tôi bị đánh thức bởi tiếng gọi trầm ấm của cha. Những người đàn ông ít tâm sự như phụ nữ nhưng lại hay thúc giục nhau trước những ngả rẽ cuộc đời. Hai cha con hăm hở đào đất, dựng cọc gỗ, uốn hoa để tạo nên một “khung trời hoa mộng”. Ai ngờ, từ cái rễ cằn, cái thân dây leo èo uột, nhờ chăm sóc tốt, hoa bừng lên làm đổi thay tất cả. Tôi thấy cuộc sống này khá thú vị. Mỗi lần đi về, ngắm khung cửa ấy, vẫn biết ngôi nhà tôi cũ kỹ nhất xóm nhưng luôn bình yên, xanh mát, đã có thêm một lý do để yêu nhà…
Có lần vừa dắt xe vào cửa, tôi bắt gặp một người đàn ông sang trọng ngồi trên chiếc ghế mây cũ kỹ. Thì ra ông ta sẵn sàng trả giá cao để mua lại căn nhà này vì thấy “một trời thơ ấu” gợi lại trong ông. Bố mẹ tôi rất đồng cảm nên chưa biết trả lời thế nào. Anh rể tôi nhanh nhảu làm một phép tính rằng mua đất và xây căn nhà vườn ở ngoại ô thì sẽ vừa đủ số tiền ấy. Tôi lặng lẽ vào nhà lấy ra một tập ký họa đưa cho ông ta. Xem xong, ông vội vã chào và từ đó không quay trở lại…
Mãi về sau nghĩ lại tôi vẫn thấy buồn cười. Chắc ông ta không muốn mua lại căn nhà của một họa sĩ thất thểu như mình, hoặc ông không muốn làm mất đi không gian sáng tạo của tôi. Có thể lắm chứ, bởi tất cả những gì ấn tượng nhất tôi đều gửi vào những nét chì thơ mộng ấy. Từ dáng chị tôi, những đứa trẻ, ngọn đèn, cả những cơn mưa, nỗi buồn…
Gửi phản hồi
In bài viết