Ngọc ơi, Hà ơi! … về ăn cơm! Bảo, Hữu ơi… về ngay, tối rồi… !!!
Chiều nào cái xóm nhỏ làng tôi cũng văng vẳng tiếng các bà, các mẹ gọi bọn trẻ từ đầu ngõ đến cuối ngõ rồi vọng ra cả cánh đồng, bờ sông, con suối… Bọn trẻ chơi ở bất cứ đâu nghe tiếng gọi ấy là lục tục kéo nhau về. Tiếng gọi thân thương ấy chính là chiếc đồng hồ thời gian đặc biệt nhất báo hiệu cho bọn trẻ biết trời đã sẩm tối. Tiếng gọi vang lên từ hơn 30 năm về trước mà đến giờ tôi vẫn thấy văng vẳng đâu đây.
Ngày ấy, gia đình tôi sống trong căn nhà lợp lá cọ, tranh tre vách nứa chật chội. Qua thời gian, mái cọ bắt đầu hư hỏng. Mỗi khi trời mưa, bố lại vác chiếc thang tre trèo lên mái để lợp thêm vài tấm lá cọ. Thế nhưng, che chỗ này lại dột chỗ kia. Thảm nhất là mưa vào buổi tối, mấy chị em tôi đều nằm dồn vào một góc giường tránh chỗ bị dột nước rồi ôm nhau ngủ ngon ơ. Không biết rằng, đêm ấy mẹ bao lần thức giấc để bế chúng tôi khỏi chỗ bị ướt. Còn bố thì lấy chiếc áo mưa trải lên trên chỗ ướt để ngủ. Những khốn khó ấy khiến chúng tôi nhận ra bố mẹ tuyệt vời đến nhường nào.
Tôi nhớ những bữa cơm chiều ngày ấy chỉ với lạc rang, cá mắm mà sao ngon đến thế. Lúc nào đi chơi về chúng tôi cũng sà ngay vào bếp giúp mẹ sắp cơm. Đứa bé lấy mâm, lớn thì nhấc nồi cơm vần cạnh bếp cho vào dế nồi để khỏi nhọ nền nhà. Mẹ cẩn thận bê bát canh cua, rồi múc thêm vài quả cả muối. Bố ngồi vào mâm ôn tồn nhắc nhở: Ăn trông nồi, ngồi trông hướng; học ăn, học nói, học gói học mở… Bữa cơm gia đình không chỉ là nơi chúng tôi quây quần, gắn kết còn là nơi chúng tôi thấm thía bài học về đạo đức, lối sống, cách đối nhân, xử thế, văn hóa gia đình.
Có bữa cơm, chỉ có lèo tèo đĩa cá mắm cơm, chúng tôi thấy mẹ ăn rất ít. Mẹ bảo, các con còn nhỏ ăn nhiều cho chóng lớn. Mẹ già rồi nên kiêng ăn mặn. Bố nhìn mẹ không nói gì mà chỉ lẳng lặng gắp vào bát mẹ thêm vài con cá. Chúng tôi há hốc mồm ngạc nhiên không hiểu nhưng cũng bắt chước làm theo bố. Rồi người nọ gắp thức ăn cho người kia.
Cả nhà rộn ràng tiếng cười thật đầm ấm biết bao. Bữa khác, nhìn thấy mâm cơm có đĩa cá, nhưng có vài con cháy đen nhẻm, bố cười khoái trá: Mấy con cá kia nhấm rượu là tuyệt nhất. Bọn trẻ thấy vậy cũng háo hức gắp nhưng khi đưa vào miệng thì ôi thôi, đắng ngắt. Mẹ nhìn sang bố rồi lẳng lặng nói: Món cá cháy rất tốt cho xương khớp, người già ăn có lợi cho sức khỏe. Bọn trẻ ngơ ngác không hiểu nhưng vẫn tin điều mẹ nói.
Có bận nhà hết gạo, đong mãi được một bơ. Nhà có 6 miệng ăn, bố mẹ lại lên đồi đào mấy củ sắn rồi cắt từng miếng nấu cùng với cơm. Bọn trẻ chúng tôi lớn lên cùng sắn nên thấy cơm độn sắn là sợ. Nhưng bữa đó, khi xới cơm mẹ lại lấy hết sắn sang bát mẹ rồi bảo: Mẹ thích ăn sắn độn cơm, vừa thơm, vừa bùi, khác hẳn sắn luộc, sắn nướng.
Hôm nào có khách chúng tôi đều thấy mẹ chuẩn bị riêng mâm cơm cho khách. Mâm cơm mẹ với chúng tôi ăn dường như kém ngon hơn. Lũ trẻ ứa nước miếng đòi lên ngồi cùng bố nhưng mẹ lại dỗ dành, cưng nựng chúng tôi. Để ý thì thấy, bố cũng chỉ gắp rau, hình như bố “nhịn miệng đãi khách”. Rồi khi dọn mâm, chúng tôi thấy nhiều món ngon vẫn còn đó, dường như bố để dành cho chúng tôi.
Cuộc sống của chúng tôi cứ thế lớn lên trong căn nhà đơn sơ và bữa cơm gia đình mộc mạc như thế. Giờ đây, cuộc sống đầy đủ hơn, không còn bữa đói bữa no nhưng sao tôi vẫn thèm những bữa cơm đơn sơ ngày ấy. Bởi bữa cơm ấy được nấu bằng tình yêu thương của mẹ và được nhân lên bởi sự thấu hiểu và gắn kết của những người thân. Tôi lại muốn trở về thời thơ ấu, được nghe tiếng mẹ gọi ngày xưa, được ăn món cá cháy xém mẹ nấu, thân thuộc, ấm áp đến nhường nào.
Gửi phản hồi
In bài viết