Mẹ tôi

- Cứ nghẹn lòng mỗi khi nhớ về mẹ. Cứ thảng thốt buồn khi nghĩ đến tình cha. Luôn có một phương trời trong sâu thẳm tim con nỗi nhớ về cha mẹ, công ơn dưỡng dục sinh thành.

Dù con trưởng thành hay vấp ngã trước những cám dỗ cuộc đời, con vẫn là con của mẹ. Với mẹ, con luôn là đứa trẻ mẹ nặng lòng sinh thành và nuôi dưỡng, bất chấp sóng to, biển cả. Mẹ ơi, con đã không thể hiểu những gian truân cuộc đời mẹ, để rồi khi con hiểu, chỉ còn là niềm đau và ân hận...

Mẹ đã đi rất xa về miền cực lạc, mà con vẫn như thấy dáng mẹ đâu đây. Con cứ nhớ về ngày ấy, quê mình nghèo lắm, của cải trong nhà chỉ có vài chiếc chum sành đựng nước và một ít nồi xoong, bát đĩa. Cũng chả cần nhiều nồi niêu để làm gì. Một chiếc nồi gang để nấu cơm, một cái chảo gang để vừa xào vừa nấu, thế là đủ. Bát đĩa cũng đơn sơ chiếc lành, chiếc mẻ. Nhưng điều ấy cũng không quan trọng, miễn là mỗi bữa ăn có được bát cơm đầy. Để có được điều ấy, Mẹ đã phải tất tưởi từ sáng sớm đến đêm khuya.

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ.
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

Tôi vẫn nhớ ngày ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra rất quyết liệt. Khi đó dù đã 10 tuổi tôi mới học lớp 2 và không thể hình dung miền Nam là ở đâu. Nhưng tôi vẫn nhớ như in, ngày mẹ tiễn hai người anh trai tôi lên đường nhập ngũ. Cuộc chiến dù diễn ra ở rất xa, nhưng dư âm, hệ lụy của nó lại xảy ra ngay trong ngôi nhà tranh, vách đất của gia đình tôi. Bố tôi khi ấy là xã đội trưởng, kiêm chủ nhiệm HTX. Bố thường vắng nhà, nhất là những đợt tổ chức cho dân công đi đào kênh, đắp đập hay công việc nào đó mà huyện tổ chức. Việc đồng áng, chăm sóc các con học hành, một tay mẹ tần tảo lo toan. Mỗi mùa gặt đến, thóc lúa dù không nhiều, chúng tôi vẫn có những bữa cơm no. Nhưng được vài hôm, mẹ bảo, mai chỉ nấu cơm bằng nửa hôm nay thôi. Còn phải dành thóc để gửi vào miền Nam cho hai anh trai đang đánh Mỹ. Mẹ kể rằng, ở dưới xuôi máy bay Mỹ thả bom xuống cả đồng ruộng, người dân phải cày cấy ban đêm…

Những ngày mưa tầm tã, áo quần mẹ sũng nước. Những mụn vá chồng lên mụn vá cồm cộm. Mẹ chẳng bận tâm, mai còn cả những ngày dài để lo toan cuộc sống. Cứ thế, mẹ thay cha nuôi nấng lũ chúng tôi khôn lớn. Khi tôi học lớp 8, tin tức về chiến thắng giặc Mỹ liên tiếp truyền về. Làng rất vui khi nghe tin thắng lợi từ tiền tuyến. Nhưng mẹ cứ lặng thầm chờ đợi. Linh tính của người mẹ thật lạ. Mẹ vui cùng niềm vui hân hoan của làng xóm, nhưng khi chỉ có một mình, nước mắt mẹ cứ tuôn rơi ướt đầm tay áo. Mỗi lúc như vậy, tôi cũng không thể cầm được nước mắt. Thế rồi, một ngày tin dữ ập xuống thân gầy của mẹ. Cả tấm thân mong manh trong chiếc áo bà ba nhuộm bùn cứ run lên bần bật. Những tiếng nấc nghẹn trong tim mẹ. Làng xóm ùa sang an ủi. Chúng tôi chỉ biết ôm mẹ mà khóc...

Thời gian dần xoa dịu vết thương của mẹ. Đất nước đã đổi mới. Thóc lúa nhiều, không còn cảnh bữa no bữa đói. Thế giới của chúng tôi không còn bó hẹp trong ngôi làng heo hút ngày nào. Ở nơi phố phường tấp nập, các con của mẹ đã trưởng thành và có cuộc sống đủ đầy… Một ngày mẹ từ quê ra thăm các con. Chiếc áo bà ba màu gụ xẻ tà như quá rộng với tấm thần gầy của mẹ. Tôi chợt nhận ra mẹ đã già yếu đi rất nhiều…

Giờ đây, mẹ không còn trên đời này nữa, nỗi nhớ thương về mẹ khôn nguôi. Con xin lỗi vì những lần làm Mẹ lo lắng, những lần vô tâm khiến cho Mẹ buồn. Mẹ ơi, nén nhang thơm con thắp không cầu mong phú quý giầu sang. Con chỉ cầu mong linh hồn mẹ siêu thoát trên cõi Niết bàn.

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục