Ngõ nhỏ ấy là nơi chơi đùa của lũ trẻ trâu chúng tôi. Ngày hè, cứ mở mắt dậy, đứa nọ thò đầu ngó sang nhà đứa kia rồi ý ới gọi tên nhau. Chẳng mấy chốc, cái ngõ nhỏ yên tĩnh náo nhiệt bởi tiếng cười đùa của trẻ con. Nhà tôi có cây ổi đào ngay đầu ngõ nên đương nhiên là điểm ghé thăm không thể bỏ qua của bọn trẻ khi đã chơi mệt nhoài. Không hẳn là đói bụng nhưng đứa nào cũng phải chạm tay vào quả ổi rồi dùng móng tay bấm. Quả nào bấm ngập cái móng tay đen nhẻm đầy đất ấy là ăn ngon ơ. Có đứa kém may mắn thì ăn luôn cả quả xanh, chát lè.
Ấy vậy mà những quả ổi nhằng nhịt vết bấm móng tay ấy vẫn cứ lớn dần rồi chuyển dần từ màu xanh sang màu hồng đào hấp dẫn. Mùa ổi chín, mùi hương thơm dịu mát lan tỏa khắp con ngõ nhỏ. Thậm chí, mùi hương ấy còn quyện chặt vào quần áo vá chằng vá đụp mà chúng tôi đang mặc trên người.
Nhớ nhất là mấy đứa con gái có tóc dài thì mùi thơm ấy thật khó tả, gợi bao xúc cảm. Chẳng thế mà đứa bạn tôi ngày ấy dù mới lên lớp 8 cũng khiến bao thằng con trai cùng lớp ngẩn ngơ, viết thư tình... Những bài thơ con cóc ra đời từ những trò chơi trẻ nhỏ hay mối tình con nít cũng dày lên bên những trang vở. Để rồi mỗi lần gặp nhau, đọc lại những nét viết nguệch ngoạc ấy là những trận cười ra nước mắt.
Bởi dẫu thơ con cóc nhưng ở đó là những dòng cảm xúc về người, về quê chân thực đến nao lòng. Ngõ quê ấy, bao đứa trẻ vừa chạy, vừa khóc khi bị bố đuổi đánh rồi quất vào mông tê tái vì tội mải chơi, quên lối về. Ngõ quê ấy là nơi chúng tôi ngóng mẹ vào mỗi buổi chiều khi bụng đã lép kẹp. Cũng chẳng biết mấy quả bầu, mớ rau mẹ bán được bao nhiêu tiền nhưng lúc nào trong chiếc làn của mẹ cũng có cái bánh rán hoặc bánh tẻ cho chúng tôi. Có hôm mẹ để lại quả bầu ngon nhất để nấu canh, mẹ bảo thế. Và món canh bầu với râu tôm thì ngon khỏi nói. Chúng tôi chỉ cần có thế là bụng đứa nào đứa ấy căng tròn, rồi lăn ra ngủ mà không hề biết, đó chính là quả bầu mẹ không bán hết...
Ngõ nhỏ ấy còn là nơi bố tôi và mấy bác hàng xóm vẫn đàm đạo chuyện lớn nhỏ bên ấm trà nóng hổi. Thậm chí, đôi lần tôi nghe thấy bố lớn tiếng khi mẹ chưa kịp pha ấm trà nóng, dẫu trên bếp nồi nước đã đun sôi. Mẹ lại tất tưởi cất vội chiếc chổi vào phía góc sân rồi vội vàng lấy nước pha chè. Nếp nhà, nếp quê là thế. Nghĩ đến đây, dòng cảm xúc tôi chùng xuống. Mấy bác hàng xóm hay điếu đóm chè thuốc cùng bố vào mỗi buổi sớm hoặc khi có việc trong nhà ngoài ngõ giờ người còn, người mất.
Câu chuyện chè thuốc của các cụ giờ còn là đếm xem trong xóm còn bao cụ cao tuổi, bao người đau yếu. Kéo theo đó là những tiếng thở dài... Bố tôi giờ tóc cũng bạc quá nửa. Tiếng quát mắng bọn trẻ ngày xưa vang cả đầu ngõ giờ cũng chỉ người trong nhà nghe thấy. Mẹ giờ cũng không phải đun nước hay rửa chén nhiều như ngày xưa bởi những buổi uống chè của bố cũng không còn đều đặn như trước nữa. Mẹ ít đi chợ hơn. Thỉnh thoảng mẹ cắt vài quả bầu biếu bác hàng xóm. Phần còn lại để già không ai hái. Mẹ bảo, giờ nhà chỉ có hai ông bà, ăn chẳng là bao. Các con rảnh thì cuối tuần đưa bọn trẻ về quê mẹ nấu canh bầu cho ăn, chứ ở thành phố, lúc nào cũng mua đồ ăn sẵn, chẳng biết chất lượng ra sao?...
Hương vị bát canh bầu nóng hổi thơm nức mũi dội về bao ký ức thân thương. Đã bao lâu rồi tôi không được thưởng thức bát canh quê giản dị ấm áp tình yêu thương của mẹ? Đã bao lâu rồi tôi không về thăm ngôi nhà gắn bó cả thời thơ bé. Liệu góc giường bố mẹ ngủ có bị dột khi mưa về xối xả như ngày xưa không? Và nếu có, chắc hẳn bố cũng không còn đủ sức khỏe để trèo lên mái lật lại viên ngói cho khỏi dột như ngày xưa nữa? Căn nhà ấy tính ra đã bằng tuổi của bố nhưng bố mẹ nhất định không làm mới vì đó là căn nhà tổ tiên để lại. Bố nói có lý, nhưng không có nghĩa là không thể sửa sang lại cho kiên cố khang trang hơn.
Tôi liền bấm điện thoại. Tiếng a lô quen thuộc ở đầu dây vang lên. Không để mẹ kịp hỏi thăm một thôi một hồi như trước, tôi vội vã nói: Mẹ ơi, khoảng 1 tiếng nữa chúng con sẽ về đến nhà. Mẹ nhớ nấu canh bầu cho bọn trẻ nhé. Một cảm giác ấm áp trào dâng, gần gũi và thân thương biết bao.
Gửi phản hồi
In bài viết