Những mùa dứa xôn xao

- Sáng nay đi chợ sớm tôi mua được những quả dứa ta thật ưng ý. Cữ này đã là cuối vụ nên dứa không còn nhiều. Khác với dứa lai có quanh năm, mùa dứa ta bắt đầu từ khoảng Tết Đoan Ngọ - “diệt sâu bọ”, đến khoảng tháng 7 âm lịch, càng cuối vụ càng ngọt.

Nhiều người thích ăn dứa, nhất là các chị em vì dứa có nhiều lợi ích cho sức khỏe và còn giúp tôn dáng, đẹp da nữa. Với tôi, dứa là một vị thuốc mà mỗi ngày tôi đều cần dùng đến. Vì thế, vào mùa dứa gần như ngày nào đi chợ tôi cũng mua dứa.

Nhìn những quả dứa tươi ngon, mắt to đều, mới lốm đốm vàng mà đã dậy mùi thơm, tôi như thấy hiện ra trước mắt cả đồi dứa mênh mang với những mùa dứa xôn xao thời thơ bé; với những đĩa dứa mật thơm lừng, ngọt lịm bên mái nhà tranh bình dị nơi quê ngoại.

Ngày ấy, vào những năm 1964 - 1965 khi máy bay Mỹ mang bom đạn bắn phá thành phố Thái Nguyên, cha tôi đang ở chiến trường Lào, mẹ tôi phải dắt díu mấy chị em tôi cùng bà nội sơ tán về quê ngoại Tuyên Quang. Lúc đó họ hàng, làng xóm đã đến giúp đỡ gia đình tôi chặt cây, phát rừng dựng một căn nhà tranh vách đất trên một quả đồi rộng rãi, thoáng mát. Năm sáu miệng ăn mà ngoài số tiền cha tôi để lại hàng tháng mua gạo sổ, nhà tôi chẳng có thu nhập gì cả. Để mưu sinh mẹ tôi lại vào rừng chặt cây làm chuồng nuôi lợn; đắp bờ, vét bùn mấy đám ruộng thụt trước nhà làm ao nuôi cá; và khai phá thêm mấy quả đồi xung quanh trồng sắn, trồng dứa.

Ban đầu chỉ trồng dứa quanh bờ rào, sau thấy dứa hợp đất phát triển tốt, quả chín ăn rất ngọt nên mẹ tôi đã để hẳn một quả đồi trồng dứa. Nhờ đôi tay cần cù của mẹ, chả mấy chốc quả đồi sau lưng nhà tôi đã phủ lên màu xanh của dứa. Bao nhiêu mồ hôi, công sức đổ xuống đất cằn rồi cũng kết thành những mùa quả ngọt. Dứa trồng trên đồi đón đủ nắng, quả nào quả nấy “mở mắt” căng tròn.

Vào mùa dứa chín, gian giữa nhà mẹ tôi xếp dứa để mang đi bán. Cứ chiều hôm trước mẹ lựa quả nào ửng, chín thì cắt rồi xếp vào nhà để sáng hôm sau mang ra chợ bán. Những ngày dứa chín rộ, buổi sáng khi mẹ đi chợ thì chị em tôi ra đồi cắt dứa. Lá dứa rất sắc và có nhiều gai, chỉ cần một va quệt nhẹ thôi cũng khiến chân tay rớm máu. Hồi đó nhà tôi đâu có ủng, có bao tay nên hôm nào đi cắt dứa về chị em tôi cũng chiến tích đầy mình. Nhưng chuyện gai dứa cào xước chân tay là bình thường. Sợ nhất là khi cắt dứa gặp ngay chú rắn đang trườn nhẹ nhàng đi ăn trộm dứa; là khi chạm vào tổ kiến lửa, hay tổ ong bò vẽ… Thế là chạy tá hỏa, vấp ngã, rồi bị kiến đốt, ong châm xưng vù. Rồi có những hôm mẹ bận, chị em tôi lại thay nhau đi bán dứa. Vì chợ xa nhà mà chúng tôi đều còn nhỏ nên mẹ bảo mang dứa ra ngã ba đầu làng để bán. Mẹ nói: Dứa đang chín rộ, không để lâu được, mấy chị em chịu khó đi bán cho quen, rồi tích cóp ít tiền vào năm học mới mẹ sẽ mua sách vở, quần áo mới cho…

Thật ra trồng dứa cũng dễ, không phải chăm sóc nhiều và cũng rất vui nữa. Chẳng biết hồi đó đồi dứa nhà tôi mỗi mùa bán được bao nhiêu, nhưng cứ được ăn từ đầu mùa thoải mái, lại còn biếu các bác, các cô chú họ hàng, làng xóm vài bữa là thích rồi. Vì cả làng chỉ mỗi nhà tôi có đồi dứa. Cũng nhờ có đồi dứa ấy mà ngay từ tấm bé chị em tôi ai cũng biết cách chọn dứa mật “xanh vỏ, đỏ lòng”, ai cũng biết gọt dứa …

Nhìn những quả dứa lốm đốm vàng bỗng nhớ da diết những mùa dứa xôn xao thời thơ bé, nhớ những ngày tháng vất vả mà sum vầy, đầm ấm. Nhớ những mùa dứa ngọt lành đã cùng mẹ cha nuôi lớn chị em tôi. Chợt nghe đâu đây lời mẹ dạy năm nào: “Chọn dứa phải chọn quả mắt đều, phải nhìn vào cuống lá, màu vỏ và mùi hương”. Thứ hương dứa mật nồng nàn dậy lên mùi ngọt ngào bên ngoài lớp vỏ gai góc như chui thoát ra sau những nhọc nhằn, trăn trở, mà có lẽ chỉ người trồng dứa mới biết.

Hoài Thu

Tin cùng chuyên mục