Một chiếc bếp quê! Hẳn là thế. Bếp quê, gói bao lo toan của mẹ, gói cả hạnh phúc gia đình và gói những tuổi thơ yêu thương.
Bên bếp lửa hồng là cả một bầu trời nhung nhớ của lũ trẻ trâu. Khi đói, chúng tôi vùi một hai củ sắn đào vội trên nương, bóc vỏ trắng tinh, hơ qua cho cháy xém nhẹ rồi vùi dưới lớp tro nóng rực. Trên bếp, nồi cơm của mẹ thì sôi ùng ục, còn bọn trẻ thi nhau cời than hồng nướng sắn. Nhiều hôm mẹ gõ đầu chúng tôi bảo, than đấy để mẹ còn vần nồi cơm cho nhanh chín. Nhưng chúng tôi đâu nghe, mắt trước mắt sau vẫn nướng sắn cho đến khi mùi thơm của sắn tỏa ra nức mũi thì nồi cơm của mẹ vẫn còn âm ỉ chín từng hạt gạo.
Mùa đông đến, lũ trẻ xúm xít hơ tay, hơ chân cho đỡ lạnh bên ngọn lửa đang bùng cháy. Mặc kệ, trên bếp là nồi cám lợn hay ấm nước đen xì, chúng tôi vẫn chen chúc ngồi quanh bếp. Môi đứa nào đứa ấy nứt nẻ, rớm máu. Gót chân lũ trẻ trâu thì ôi thôi, đen xì, nứt toác để lộ ra những bùn đất lấm lem lâu ngày không rửa sạch. Nhưng bọn chúng không quan tâm điều đó, bởi hôm nay có rửa sạch thì mai lại đâu vào đấy.
Bàn chân ngày mai còn chăn trâu, lội ruộng, còn lên rừng lấy củi, lấy chuối rừng. Ai để ý bàn chân ấy ra sao mà chỉ biết trâu đã no bụng chưa, hôm nay lấy được bó củi để đun nồi cám lợn hay đủ để nấu mấy nồi rượu không? Bọn con gái đứa lớn một chút bắt đầu biết làm duyên, biết xấu hổ thì tránh xa bếp lửa hơn. Nhưng ngày ấy, với lũ trẻ mới lớn, những đôi má ửng đỏ dưới ánh lửa hồng của bọn con gái thật không có son phấn nào bằng.
Bên bếp lửa ấy, ngày nào cũng có bóng dáng của nội. Nội bảo, nội già rồi nên ngồi canh bếp, trông trẻ con cho người lớn đi làm việc nặng nhọc hơn. Nói là canh bếp nhưng lúc nào bà cũng mang theo túi thêu. Ngày đó, chúng tôi không hiểu bà thêu gì mà nhiều thế, thêu từ tờ mờ sáng cho đến khi mặt trời lặn, rồi khi chúng tôi đi ngủ bà vẫn thêu. Chỉ đến khi những vuông vải thêu được bà khâu lại thành những chiếc khăn, chiếc mũ rực rỡ sắc màu thì chúng tôi mới vỡ lẽ.
Đó là báu vật quý giá của bà, của dòng tộc. Tôi cũng từng đội chiếc mũ do bà thêu. Bà bảo, trẻ con vùng cao sinh ra đội chiếc mũ ấy không chỉ giữ ấm mà còn làm cho đầu tròn hơn. Tôi không tin lắm vào điều ấy nhưng điều chắc chắn rằng, lũ trẻ bọn tôi đầu đứa nào cũng tròn xoe, cứng như đá cuội mà bao lần ngã đập đầu xuống đất vẫn không hề hấn gì.
Có lần tôi thấy mẹ mua cho em chiếc mũ đội đầu mới thay cho chiếc mũ thêu của bà. Tôi thấy vẻ mặt bà thoáng buồn rồi bảo, bây giờ tiện thật, cái gì cũng có. Các già như bà chắc không còn việc để làm nữa rồi. Tôi sà vào lòng bà như một đứa trẻ rồi nũng nịu: Bà ơi, chiếc mũ bà thêu vẫn là đẹp nhất. Giờ ở thành phố đang là mốt đấy. Nhiều bạn trẻ tìm mua để làm kỷ niệm, để chụp ảnh. Rồi tôi mở chiếc iphone cho bà xem hình ảnh chúng tôi mặc trang phục dân tộc biểu diễn văn nghệ, ánh mắt bà rực sáng. Bà bảo, cháu gái bà mặc bộ này vẫn là đẹp nhất. Thế mà bà cứ tưởng… Rồi bà lại với lấy túi thêu, vừa vuốt ve sợi chỉ xanh đỏ, vừa ngân nga hát… Trong ánh lửa bập bùng, giọng hát bà đưa tôi vào giấc mơ nồng ấm thời ấu thơ, thật đẹp và trong sáng biết bao!.
Gửi phản hồi
In bài viết