Độc đáo bánh sừng trâu

- Đến với các bản làng người Dao đỏ trên địa bàn tỉnh, các bạn sẽ được thưởng thức một món bánh rất độc đáo, đó là bánh sừng trâu. 

Bánh sừng trâu (Dua xít) được làm từ gạo nếp và gói bằng lá chít. Nét độc đáo của loại bánh này là không cần phải ngâm gạo trước khi gói và không có nhân bánh. Người làm chỉ cần khum chiếc lá chít theo hình sừng trâu, đổ gạo vào và khéo léo uốn đầu bánh còn lại thành đầu nhọn dùng lạt buộc lại là xong.

Tuy cách làm bánh sừng trâu không quá cầu kỳ, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. Lá chít dùng gói bánh phải là lá bánh tẻ, to bản, không bị rách, mang về rửa sạch, hong khô mới gói. Gói xong, người ta sẽ đem bánh ngâm trong nước lạnh khoảng một đến hai giờ đồng hồ rồi mới cho vào luộc.

Chiếc bánh nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay người lớn, hấp dẫn ngay từ hình dáng giống sừng trâu thu nhỏ, thon gọn nhưng cứng rắn, mang màu xanh đậm của lá rừng. Khi ăn, mùi nếp chín dẻo hòa quyện cùng mùi lá thơm mát đậm đà, khó quên.

Theo bà Lý Thị Hoa, dân tộc Dao, thôn Phú Lâm, xã Bình Phú (Chiêm Hóa), theo quan niệm của người Dao đỏ, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, bởi vậy, người Dao đỏ đã lấy bánh sừng trâu làm món bánh truyền thống của dân tộc. Trước đây, bánh sừng trâu chỉ xuất hiện trong các ngày Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Rằm tháng bảy hay lễ cúng mừng lúa mới, ăn mừng được mùa, đám cưới, đám hỏi. Nhưng ngày nay, cùng với quá trình giao thoa, đặc biệt cuộc sống các gia đình cũng khấm khá hơn, bánh sừng trâu đã trở thành món ăn vặt thường ngày. Đặc biệt, ngày nay, khi những bản làng dân tộc Dao phát triển du lịch cộng đồng, bánh sừng trâu còn trở thành món ăn đặc sản đãi khách, quà tặng.

Bánh sừng trâu của người Dao đỏ ở xứ Tuyên ẩn chứa sự mộc mạc, dung dị, khiến ai đã được thưởng thức đều cảm thấy như được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng hoang sơ với không gian văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục