Khó về đích đúng hẹn
13 xã đăng ký về đích NTM năm nay gồm: Khâu Tinh (Na Hang); Ngọc Hội (Chiêm Hóa); Minh Hương, Hùng Đức, Thành Long (Hàm Yên); Xuân Vân, Chiêu Yên (Yên Sơn); Phú Lương, Tam Đa, Phúc Ứng, Kháng Nhật, Văn Phú, Hợp Hòa (Sơn Dương).
Đến nay bình quân các xã đạt 12,31 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt chủ yếu gồm: Quy hoạch: 6/13 xã; Giao thông 8/13 xã; Trường học 10/13 xã; Cơ sở vật chất văn hóa 13/13 xã; Nhà ở dân cư 10/13 xã; Nghèo đa chiều 7/13 xã; Y tế 7/13; Môi trường và an toàn thực phẩm 13/13 xã…
Phát triển nghề mây tre đan tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân huyện Chiêm Hóa.
Một trong những khó khăn 13 địa phương về đích NTM năm nay đang gặp phải là việc huy động nguồn lực trong Nhân dân. Mặt khác, nguồn lực đầu tư trực tiếp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM còn rất hạn chế, trong khi hầu hết các xã rất cần được đầu tư để thực hiện các tiêu chí như: giao thông, thủy lợi, trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất…
Cùng với khó khăn về nguồn lực, tiêu chí nghèo đa chiều cũng là trở ngại lớn đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM. Trong 13 xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023, hiện có 6 xã huyện Sơn Dương đã đạt tiêu chí này (tỷ lệ nghèo chiếm dưới 13%). Các xã còn lại đều ở trên mức 30%.
Xã Văn Phú (Sơn Dương) bắt tay vào xây dựng NTM khi chỉ có 4/19 tiêu chí đạt chuẩn. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Văn Phú mạnh dạn đăng ký về đích vào cuối năm 2023. Mặc dù nỗ lực là vậy, song đến nay khi chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm, xã mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, môi trường.
Đồng chí Bùi Xuân Lượng, Chủ tịch UBND xã Văn Phú chia sẻ, để về đích NTM xã cần đầu tư xây 3 trường học đạt chuẩn với tổng kinh phí dự kiến trên 23 tỷ đồng; xây dựng 1 sân thể thao thôn; xóa 45 nhà tạm. Trong 5 tiêu chí chưa đạt có tới 4 tiêu chí cần nguồn đầu tư lớn. Trong khi Văn Phú là xã đặc biệt khó khăn, thu nhập của người dân trên địa bàn chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên việc đóng góp thực hiện xây dựng NTM còn hạn chế. Cùng với đó, xã có ít doanh nghiệp đóng trên địa bàn nên việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu 9 xã về đích NTM nâng cao gồm: Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Kim Quan và Phúc Ninh (Yên Sơn), Hồng Lạc và Ninh Lai (Sơn Dương), Kim Phú (TP Tuyên Quang), Thượng Lâm (Lâm Bình), Hồng Thái (Na Hang), Đức Ninh (Hàm Yên). Hiện bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí. Mặc dù đăng ký về đích NTM vào cuối năm, song nhiều xã hiện vẫn còn "nợ" 8 - 10 tiêu chí.
Xã Đức Ninh (Hàm Yên) đăng ký về đích NTM nâng cao năm 2023, tuy nhiên đến thời điểm này xã mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí. Hiện xã đang rất nỗ lực để hoàn thành 10 tiêu chí còn lại. Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, tiêu chí số 14 về y tế đặt ra yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt từ 40% và tỷ lệ dân số có sổ khám sức khỏe điện tử phải đạt từ 90% là vô cùng khó khăn cho xã.Trên thực tế trình độ của người dân không đồng đều, việc thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến đơn giản cũng phải nhờ đến đội ngũ cán bộ xã, tổ công nghệ cộng đồng. Việc sử dụng công nghệ số, trong đó sử dụng sổ khám sức khỏe điện tử người dân, đặc biệt là người lớn tuổi còn vô vàn khó khăn. Ngoài tiêu chí số 14, tiêu chí số 17 về môi trường với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải đạt 100%; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 90%... cũng sẽ rất khó. Hiện chỉ có một số thôn trên nằm theo trục quốc lộ, xã mới hợp đồng với 1 tổ chức thu gom rác, ở các thôn xa trung tâm người dân phải tự xử lý, bằng cách phân loại và tiêu hủy.
Xây dựng NTM kiểu mẫu được đánh giá trên các tiêu chí: Sản xuất - thu nhập - hộ nghèo, giáo dục - y tế - văn hóa, môi trường, an ninh trật tự - hành chính công. Năm 2023, tỉnh có 4 xã đăng ký hoàn thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm: Vinh Quang (Chiêm Hoá) và Bình Xa (Hàm Yên) đạt chuẩn về Giáo dục; Tràng Đà (TP Tuyên Quang) đạt chuẩn về Môi trường và Chất lượng môi trường sống; Mỹ Bằng (Yên Sơn) đạt chuẩn về Tổ chức sản xuất.
Đồng chí Hoàng Đức Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng cho biết, hiện địa phương đã hoàn thành 2/4 nội dung quy định về xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, việc hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu gặp nhiều khó khăn do khối lượng thực hiện các nội dung tiêu chí lớn, nguồn vốn hạn chế. Mặc dù đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa, qua đó góp phần cải thiện thu nhập cho bà con, song thu nhập mới đạt 51,7 triệu đồng/người/năm. Việc xóa trắng hộ nghèo gặp khó do một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước mà không cố gắng, nỗ lực phát triển sản xuất.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, về cơ bản 4 xã NTM kiểu mẫu năm nay đã đạt được 2/3 nội dung tiêu chí. Bên cạnh nhóm tiêu chí thuận lợi sẽ có nhóm tiêu chí gặp nhiều khó khăn như nhóm sản xuất - thu nhập - hộ nghèo và nhóm tiêu chí về môi trường. Bởi trên thực tế tỉnh ta sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, nhiều địa phương đã bước đầu sản xuất theo hướng hàng hóa tuy nhiên do thị trường tiêu thụ bấp bênh tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô vùng nguyên liệu nhỏ. Hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa tốt, đây là những rào cản trong tiến trình xây dựng NTM kiểu mẫu.
Báo cáo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cũng chỉ rõ, sở dĩ các xã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao năm nay có số tiêu chí đạt thấp do các xã này hầu hết hoàn thành chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020, bước vào giai đoạn này (2021 - 2025) các tiêu chí đã được nâng cao hơn rất nhiều, chưa kể các tiêu chí thành phần cũng tăng lên.
Theo đó, trong giai đoạn này, để được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng được nâng cao như: Tiêu chí số 10 về thu nhập đối với xã mục tiêu đạt chuẩn NTM năm 2023 phải đạt ≥ 42 triệu đồng trở lên/người và tăng theo từng năm đến năm 2025 là ≥ 48 triệu đồng; thu nhập đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 phải đạt ≥ 51 triệu đồng trở lên/người và tăng theo từng năm đến năm 2025 là ≥ 59 triệu đồng; tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới quy định hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và tiêu chí nghèo đa chiều đối với xã đạt chuẩn NTM là dưới 13%, đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao là dưới 8%; chỉ tiêu 13.3 thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương, đối với chỉ tiêu này Tuyên Quang quy định là ≥1; chỉ tiêu 15.4 Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử phải đạt từ 50% trở lên. Vì vậy, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM không duy trì được một số tiêu chí, chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, việc triển khai 11 nội dung thành phần theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ và 06 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiều Sở, ngành khác nhau, do vậy, trong quá trình hướng dẫn và triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở còn chậm và lúng túng. Ngoài ra, ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; một số địa phương ưu tiên chú trọng đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân...
Đồng bộ các giải pháp
Để không lỡ hẹn về đích NTM, xã Văn Phú đang dồn sức, tiếp tục khai thác nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng chí Bùi Xuân Lượng cho biết, xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể hỗ trợ ngày công làm nhà cho hộ nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Huy động nguồn lực, lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án, sự đóng góp của Nhân dân trong thực hiện làm đường giao thông, xóa nhà tạm… Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân cũng được các địa phương chú trọng, nhằm nâng cao đời sống cho bà con và huy động nội lực từ Nhân dân trong xây dựng NTM.
Các địa phương cần nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.
Gỡ khó các tiêu chí chưa đạt của 5 xã về đích NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu, UBND huyện Hàm Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM. Từ nguồn vốn huy động, huyện đã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Đồng thời, huyện tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ xây dựng NTM nâng cao tại các xã để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu đề ra.
Huyện nhất quán phương châm "Người dân nông thôn là chủ thể xây dựng NTM", "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". Đồng thời, không nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng cũng không được trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ cấp trên. Tranh thủ nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, nhất là các nguồn lực hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp Trung ương để đẩy mạnh xây dựng NTM và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí NTM.
Xác định các tiêu chí giao thông, trường học, nhà ở, nghèo đa chiều, thu nhập, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, chất lượng môi trường sống là những tiêu chí khó mà các xã về đích NTM, NTM nâng cao năm nay đang gặp phải, các địa phương đang dồn sức, tiếp tục khai thác nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với các tiêu chí chưa đạt, các xã đã đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó chủ động tạm ứng, cân đối nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng; đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, từ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong xây dựng NTM thời gian qua, bài học kinh nghiệm rút ra là lãnh đạo các địa phương phải tập trung, tâm huyết, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải luôn dựa vào dân, động viên và phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp: tăng cường theo dõi, đôn đốc, báo cáo, kiểm tra, đánh giá tiến độ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở; tiếp tục rà soát nợ đọng trong xây dựng NTM, đẩy nhanh công tác quyết toán các công trình; đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn kết hợp với lồng ghép nguồn lực từ các nguồn vốn, các chương trình, dự án để thực hiện. Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM là khoảng trên 2.600 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương: 279 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 460 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp 92 tỷ đồng, vốn Nhân dân đóng góp 88 tỷ đồng, đề nghị bộ, ngành, trung ương hỗ trợ 249 tỷ đồng. Với những giải pháp cụ thể, các địa phương đang nỗ lực về đích nông thôn mới đúng hẹn.
Gửi phản hồi
In bài viết